Chào El Nino, đón La Nina: Chẳng mừng mà thêm lo

Hiện tượng El Nino khiến cả thế giới toát mồ hôi vì nóng sắp kết thúc, nhưng chẳng có tin vui nào cả, vì “người anh em” của nó là La Nina được dự báo sẽ đến sớm hơn thường lệ, mang theo những tác động khắc nghiệt không kém.

75% xảy ra La Nina

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), El Nino và La Nina là hai pha đối nghịch nhau của một hiện tượng thời tiết tự nhiên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, xảy ra theo chu kỳ trung bình mỗi 3 đến 7 năm. Hai hiện tượng này gọi chung là ENSO (viết tắt của El Niño-Southern Oscillation, tức Dao động phương Nam), chỉ sự dao động của khí áp giữa hai bờ phía đông và tây Thái Bình Dương - đông Ấn Độ Dương.

Hiểu một cách đơn giản, El Nino (pha nóng) là hiện tượng nhiệt độ nước biển tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương cao hơn mức trung bình, và ngược lại, La Nina (pha lạnh) xảy ra khi nhiệt độ tại đây thấp hơn mức bình thường. Cả El Nino lẫn La Nina đều dẫn đến các biến đổi đáng kể trên các yếu tố như nhiệt độ đại dương, sức gió và mưa khắp vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Khi xảy ra El Nino, gió thổi qua toàn bộ vùng nhiệt đới Thái Bình Dương suy yếu hơn bình thường và nhiệt độ ở vùng trung và đông nhiệt đới Thái Bình Dương trở nên ấm hơn mức trung bình. Hệ quả là lượng mưa ở Indonesia sẽ giảm xuống dưới trung bình trong khi đó lại gia tăng ở miền trung và đông Thái Bình Dương. Với La Nina, khí hậu sẽ diễn biến theo chiều ngược lại. Gió thổi qua toàn bộ vùng nhiệt đới Thái Bình Dương mạnh hơn bình thường và phần lớn vùng này sẽ lạnh hơn bình thường. Lượng mưa sẽ tăng ở Indonesia nhưng lại giảm ở khu vực trung Thái Bình Dương. Xen giữa hai pha nóng – lạnh là điều kiện thời tiết mà các nhà khoa học gọi là pha trung dung, tức là khi các yếu tố như nhiệt độ, sức gió, lượng mưa ở gần mức thông thường.

Cả El Nino và La Nina đều là những chuyển biến của tự nhiên mà con người không thể nào ngăn chặn hay giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của chúng được. Các nhà khoa học chỉ có thể theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ và khí hậu ở đại dương để dự báo hiện tượng nào sắp diễn ra để có thể chuẩn bị các phương pháp đối phó kịp thời và phù hợp.

Nhờ theo dõi sát sao các diễn biến khí hậu ở Thái Bình Dương mà các nhà khoa học vừa phát hiện ra “con lắc khí hậu” đang dịch chuyển từ pha nóng sang pha lạnh (La Nina) với tốc độ đủ nhanh để chúng ta phải lo lắng. Sau khi đã nóng lên hơn bình thường trong phần lớn năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay do chịu tác động của một đợt El Nino được cho là tồi tệ nhất trong vòng hai thập niên trở lại đây, nhiệt độ tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương đang giảm nhanh chóng, được xem là dấu hiệu cho sự dịch chuyển từ El Nino sang La Nina. Theo dự báo về khí hậu mới nhất được Trung tâm dự báo khí tượng (CPC, thuộc NOAA) công bố hôm 10-5, khả năng xảy ra La Nina vào khoảng tháng 9-11 trong năm nay ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương là 75%. Hồi tháng 4, xác suất này chỉ là 50%, theo Bloomberg. Xác suất được dự báo mới nhất (75%) cao đến mức CPC đã khởi động chương trình theo dõi La Nina để có các động thái kịp thời. “Sự chuyển dịch từ El Nino sang La Nina có thể xảy ra rất nhanh và các dự báo cho thấy La Nina sẽ bắt đầu phát triển vào mùa hè này” - Emily Becker, một nhà khoa học làm việc cho CPC tại Maryland (Mỹ), viết trên blog hôm 11-5. Theo Becker, phần lớn các mô hình giả lập trên máy tính dự đoán rằng El Nino sẽ kết thúc vào đầu mùa hè này, và nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ tiếp tục giảm, nhiều khả năng sẽ giảm quá ngưỡng La Nina (0,5 độ C dưới mức trung bình) vào một thời điểm nào đó trong mùa hè. Hiện nay vài khu vực ở đông Thái Bình Dương, nhiệt độ bề mặt biển đã giảm xuống mức trung bình, thậm chí dưới ngưỡng này.

La Nina nguy hiểm hơn El Nino

El Nino tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “bé trai” và La Nina là “bé gái”. Hiện tượng El Nino còn có tên là “đứa con của chúa” (Christ Child), theo cách gọi của những ngư dân đầu tiên đã nhận thấy sự thay đổi của khí hậu ngoài khơi Nam Mỹ từ những năm 1600. Từ cách đây 4 thế kỷ, những ngư dân này đã nhận nước biển ở Thái Bình Dương có xu hướng ấm lên vào tháng 12, tức mùa lễ Giáng sinh, và vì thế tên gọi “đứa con của chúa” ra đời.

Vậy giữa “bé trai” và “bé gái” ai “ngỗ nghịch” hơn và gây ngại nhiều hơn? Trái với suy nghĩ “bé trai”, tức El Nino sẽ gây hại hơn, các nhà khoa học cho rằng chính La Nina mới nguy hiểm hơn vì kéo dài lâu hơn và phá hoại nhiều hơn. Theo NOAA, cả El Nino lẫn La Nina đều có thể kéo dài hơn một năm, nhưng hiếm khi El Nino có thể diễn ra lâu đến thế. Trong khi đó, một đợt La Nina kéo đến hai, thậm chí ba năm không phải hiếm. Đợt El Nino lâu nhất lịch sử chỉ diễn ra trong 18 tháng, trong khi đợt La Nina lâu nhất kéo dài đến 33 tháng. Các nhà khoa học tuy vậy chưa giải thích được vì sao có sự khác biệt về thời gian giữa hai hiện tượng này.

Theo tổ chức tư vấn tài chính IHS Global Insight, chỉ riêng tại châu Á, thiệt hại do đợt El Nino hiện tại gây ra đã lên đến 10 tỉ USD, chủ yếu đến từ tổn thất do việc sản xuất gạo và đường bị ảnh hưởng bởi hạn hán, khiến giá cả tăng vọt ở khắc châu lục này. Con số thiệt hại toàn cầu do El Nino được Hãng bảo hiểm Munich Re ước tính vào khoảng 12 tỉ USD vào năm 2015, nhiều hơn 13% so với tất cả các tổn thất do thiên tai gây ra. Hiện tượng này đã có ảnh hưởng đáng kể đến thời tiết nóng bức và hạn hán ở Nam Mỹ, Châu Phi và Đông Nam Á, theo Munich Re. Công ty bảo hiểm này cũng cho rằng El Nino này cũng làm gia tăng số lượng bão ở đông bắc Thái Bình Dương, trong đó có bão Patricia, một trong những cơn bão cuồng nộ nhất lịch sử đã đổ bộ vào bang Jalisco của Mexico hôm 23-10-2015.


El Nino phá hoại là thế, nhưng theo CNN, hậu quả của La Nina còn khủng khiếp hơn. Lịch sử cho thấy trong các năm ảnh hưởng bởi La Nina, tần suất bão nhiệt đới và bão cực mạnh ập vào nước Mỹ đều tăng, và thiệt hại do chúng ngày ra cũng ngày một lớn. Đợt La Nina đáng kể gần nhất xảy ra hồi năm 2010, được cho là nguyên nhân gây ra bão tuyết vào mùa đông và lũ lụt vào mùa xuân ở khắp nước Mỹ, trong khi đó lại gây ra hạn hán ở Texas, Oklahoma và Arkansas.

NOAA mô tả tác động của cặp đôi El Nino - La Nina lên hai khu vực Thái Bình Dương và Đại Tây Dương giống như trò chơi bập bênh - nếu các hiện tượng này làm tăng khả năng có bão ở khu vực này thì sẽ đồng thời giảm bão ở khu vựa kia, và ngược lại. Cụ thể trong năm nay, nếu bắt đầu sớm, La Nina có thể khiến mùa bão ở Đại Tây Dương đến sớm và mạnh hơn năm ngoái và ngược lại, bão sẽ thuyên giảm ở vùng đông Thái Bình Dương. La Nina cũng thường kéo theo lốc xoáy mạnh hơn ở miền nam nước Mỹ. Hồi năm 2011, các cơn lốc xoáy chết người ở Mỹ cũng xảy ra trong mùa La Nina. Tổng cộng 553 người, chủ yếu ở các ban vùng trung nam, đã thiệt mạng vì lốc xoáy trong năm đó. Trong khi đó, nếu El Nino gây ra hạn hán ở Úc và mưa lớn ở các nước dọc bờ biển Nam Mỹ, thì ngược lại, La Nina sẽ làm giảm nhiệt độ ở Thái Bình Dương, gây mưa nhiều ở Đông Nam Á cũng như một phần châu Phi và Brazil, trong khi khiến lũ xảy ra ở Úc.

Như vậy, hiện tượng El Nino tồi tệ nhất trong hai thập niên sắp kết thúc, nhưng theo giới chuyên gia, thế giới chưa thể thở phào nhẹ nhõm bởi các hệ quả mà La Nina mang lại còn dữ dội hơn, và không chỉ diễn ra lâu hơn “người anh em của” nó, La Nina còn nó gieo rắc nhiều thảm họa hơn thông qua các hiện tượng thời tiết “cực đoan” ở phạm vi toàn cầu. Nếu tác hại của hạn hán, thời tiết nóng bức chủ yếu gây hại cho sản xuất nông nghiệp (trừ những nơi có người chết vì nắng nóng như Ấn Độ), hệ quả của La Nina là mưa lũ, sạt lở có thể gây chết người, thậm chí là nhiều người một lúc.

Nhiều nước đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo La Nina có thể xảy ra, trong đó có nhiều nước ASEAN như Philippines và Malaysia. Hôm 15-5, Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA), cho biết La Nina sẽ diễn ra ở quốc gia này vào nửa sau năm 2016 và cơ quan này đã khởi động chương trình theo dõi La Nina. Dù nhiều vùng tại Philippines đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán do El Nino gây ra, các vùng này sẽ tiếp tục gánh chịu các thiên tai khác như lũ lụt và sạt lở khi La Nina đến cùng những cơn mưa. Các thiên tai này không chỉ gây thiệt hại về của cải vật chất mà còn cả tính mạng con người. Trong khi đó, ngành khí tượng Malaysia cũng tin rằng El Nino đang dần nhường chỗ cho La Nina, bởi dù chỉ mới hai tuần trước nhiều vùng ở quốc gia này vẫn còn chịu đựng thời tiết nóng bức, thì những ngày trở lại đây đã xảy ra mưa và lũ quét. “Người Malaysia đang chào tạm biệt El Nino, nhưng cũng sẵn sàng đón La Nina” – tờ New Straits Times Online‎ bình luận hôm 16-5. Trong thời kỳ El Nino hoành hành, nhiều con đập ở Malaysia đã trơ đáy và gây nguy cơ thiếu nước sạch ở nhiều vùng. Khi La Nina đến, người dân lại gặp nạn khác vì thời tiết được dự báo là sẽ mưa suốt đến cuối năm, dẫn đến nguy cơ lũ lụt cao. “Nếu mưa liên tục từ bốn đến năm ngày ở các vùng sâu trong đất liền, như đã từng xảy ra năm 2014, mực nước sông sẽ tăng thêm 10m và chắc chắn sẽ xảy ra một trận lũ kinh hoàng” - New Straits Times Online dẫn lời giáo sư Datuk Dr Azizan Abu Samah, chuyên gia thời tiết cảnh báo.

Tại Việt Nam, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ hồi đầu tháng 5 cũng cho biết có khả năng “con lắc khí hậu” sẽ trở về trạng thái trung tính vào tháng 7, tháng 8 năm nay, sau đó chuyển sang pha lạnh vào cuối năm, với xác suất dự báo khoảng 52-57%.

Không phải đợt El Nino nào cũng chuyển thành La Nina ngay sau khi kết thúc. Theo chuyên gia Becker của CPC, từ năm 1950 đến nay đã diễn ra 23 đợt El Nino nhưng chỉ có 14 lần kèm theo La Nina. Một trong những đợt La Nina nghiêm trọng tiếp liền sau El Nino là hồi năm 1997-1998, và tình hình năm 2015-2016 được dự báo sẽ nghiêm trọng tương tự, thậm chí hơn khi ấy. Tuy nhiên CPC cũng thừa nhận các dự đoán về thời gian và mức độ nghiêm trọng của hiện tượng La Nina năm nay vẫn chưa chắc chắn.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 20/2016)

Comments

Popular posts from this blog