Hoài niệm thời dial-up


Trên xa lộ Internet, người dùng ngày nay đang lướt đi vun vút trên những chiếc siêu xe ADSL, wifi, 3G, nhưng hơn 10 năm trước, một thế hệ đã cọc cạch trên chiếc xe đạp dial-up để đến với Internet.

“VNPT chính thức khai tử dial-up ở Việt Nam”, rất nhiều cư dân mạng đã đọc thấy tin này vào cuối tuần qua, có thể là trên iPad khi đang ở sân bay với sóng 3G, trên smart phone khi đang ngồi cà phê, hay trên laptop với kết nối wifi ở văn phòng, hoặc chí ít cũng là chiếc máy tính để bàn nối mạng ADSL ở nhà. Nhưng có thể chắc chắn một điều, đã không có ai đọc về sự ra đi của kết nối dial-up khi đang truy cập Internet bằng chính giao thức này.

Nhưng dù trên phương tiện gì, và bằng giao thức kết nối nào, hẳn sẽ có hai cảm xúc trái ngược nhau khi người đọc tiếp cận thông tin này. Với những cư dân mạng trẻ, những người lớn lên trong thời bùng nổ Internet, với mạng lưới Internet tốc độ cao ADSL gần như phủ kín từng gia đình, và những wifi, 3G đều không còn là điều xa lạ, thì chính giao thức dial-up mới lại là điều quá lạ lẫm với họ.

Ngược lại, với những người thuộc thế hệ lớn hơn, những người đã có may mắn tiếp cận với Internet từ những ngày đầu trước sự bùng nổ sau này, sự kết thúc của giao thức này cũng gợi chút hoài niệm về những ngày đã xa, vì dễ có 10 năm tròn họ đã không còn vào mạng bằng giao thức cổ điển này nữa.

Trên xa lộ Internet, người dùng ngày nay đang lướt đi vun vút trên những chiếc siêu xe ADSL, wifi, 3G, nhưng hơn 10 năm trước, một thế hệ đã cọc cạch trên chiếc xe đạp dial-up để đến với Internet.

Kết nối dial-up được cung cấp ở Việt Nam vào những năm 2000, dưới tên gọi Dịch vụ Internet gián tiếp (VNN126x) với 3 lựa chọn VNN1260, 1268, và 1269 của VNPT -- một nhà cung cấp dịch vụ Internet, hay ISP (Internet Service Provider).

Dial-up giúp người dùng kết nối Internet qua đường điện thoại sử dụng modem gắn trong máy và phần mềm quay số đã có sẵn trong hệ điều hành Windows. Khi quay số (dial), người dung cần có một tài truy cập với tên sử dụng và mật khẩu truy cập dịch vụ cung cấp bởi ISP.

Kết nối Internet bằng dial-up có một đặc trưng mà những ai đã sử dụng qua không thể nào quên được, đó là tiếng kêu tít tít và đôi khi rền rĩ phát ra từ modem, khi chúng quay số đến ISP để kết nối với một modem khác trước khi đưa người dùng vào thế giới Internet.

Ở thời điểm hiện tại, khi việc download và upload hàng gigabyte dữ liệu trên Internet đã trở nên quá thuộc, chắc chắn những người xa lạ với kết nối dial-up sẽ không tin được tốc độ tối đa mà dịch vụ này mang lại chỉ là 56kbps. Chỉ cần lấy tốc độ wifi mà người viết đang dùng để viết bài này (150mbps) để so sánh là có thể thấy sự khác biệt ấy khủng khiếp đến mức nào (hơn 2.700 lần).

Do hạ tầng chưa thật phát triển, rất khó để khách hàng có thể đạt được tốc độ tối đa cho mỗi lần kết nối, và do vậy, vào Internet bằng dial-up chỉ đủ để kiểm tra và soạn email, có thể duyệt các trang web “nhẹ cân”, còn việc download dữ liệu thì còn phải trong vào … may mắn, đó là chưa kể yếu tố giá cả cũng là một trở ngại lớn.

Khác với các gói cước truy cập ADSL hay 3G ngày nay tính bằng dung lượng sử dụng, các dịch vụ dial-up của VNPT ngày xưa tính cước theo thời gian sử dụng, nghĩa là dù bạn bật modem lên mà không hề vào mạng thì vẫn bị tính cước, và mức cước thì không hề rẻ.

Hai dịch vụ phổ biến nhất của VNPT lúc đó là VNN1268 và 1269. Điểm khác biệt rõ nhất là VNN1268 chỉ cho truy cập vào các trang web có địa chỉ trong nước, trong khi khách hàng của VNN1269 có thể truy cập thoải mái các trang web toàn cầu.

Cả hai dịch vụ đều tính cước theo số điện thoại truy nhập (thường là số điện thoại bàn của người sử dụng), và tính kèm vào hóa đơn điện thoại hàng tháng. Tất cả người dùng đều dùng chung tài khoản truy cập là vnn1268 hay vnn1269 với password tương tự. Mức cước cho 2 dịch vụ này vào khoảng 250 đồng/phút, nghĩa là đến 15.000 đồng một giờ -- một con số không hề nhỏ ở thời điểm cách đây 10 năm (những năm 2000 – 2001) cho một giờ vào mạng mà chưa chắc có truy cập được gì không vì tốc độ rùa bò.

Hơn 10 năm trôi qua và mọi thứ đã thay đổi chóng mặt, người ta giờ đây có thể vào mạng với tốc độ cao hơn xưa gấp vài ngàn lần, thoải mái xem phim online, tải dữ liệu, và hơn hết là giá ngày càng trẻ và đôi khi là miễn phí.

Vậy nên có lẽ việc nhà cung cấp dịch vụ dial-up cuối cùng cũng rời khỏi cuộc chơi (trước đó là NetNam, Viettel, và FPT) cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Comments

  1. Bishop: Thật ra hồi đó tui xài chứ chả biết cái dịch vụ, giờ thì mình đã được khai sáng roài haha

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog