Nhân đọc Xác ba lô lên và đi


Tối qua (thật ra là tối 25-10-2012 vì bài mình viết trên Facebook lâu rồi nay bưng qua blog :D) đã đọc xong Xách ba-lô lên và Đi của em Huyền chip.

Đang đọc thì mới nhận ra là sách đã hết, vì phần sau sách có đính kèm ảnh nên không có cảm giác đã lật đến những trang cuối cùng. Như tác giả đã thừa nhận trong lời cuối sách về cái kết khá đột ngột, nhưng mau chóng giải thích rằng đây chỉ mới là tập 1, nghĩa là chỉ mới một phần trong chuyến đi dài suốt hai năm của em. Và phần tiếp theo ấy, dù chưa biết bao giờ mới được xuất bản, nhưng chắc chắn nó sẽ tiếp tục được đón nhận, ít nhất là bởi những ai đã đi cùng em đến trang cuối của quyển sách này.

Những câu chuyện Huyền chip kể trong sách đều rất ngắn, chỉ đôi ba trang, nhưng chúng hấp dẫn theo một cách rất riêng. Không có quá nhiều chi tiết cao trào kịch tính hay gây tò mò, nhưng tác giả vẫn có thể khiến người xem muốn lật tới trang tiếp theo sau mỗi câu chuyện nhỏ.

Mình đã chọn đọc mỗi ngày vài câu chuyện của em trước giờ đi ngủ, mỗi ngày theo chân em đến một vùng đất mới nào đó, cùng gặp gỡ những người bạn trên đường đi. Những tên địa danh, tên người cứ lần lượt hiện ra ngồn ngộn trong sách, nhưng điều mình quan tâm khi đọc sách chỉ là chuyện gì sẽ xảy ra với em trong mỗi nơi em đi qua, và em sẽ làm gì để vượt qua chúng?

Xách balô lên và đi gây xôn xao từ trước khi ra mắt bởi lời giới thiệu về một cô bé 20 tuổi đi vòng quanh thế giới chỉ với 700USD của một tờ bào nào đó, điều mà Huyền chip đã nhanh chóng đính chính ngay sau khi sách phát hành. Và chỉ có đọc sách mới biết em hoàn toàn không phải là "cô gái 700USD". Chuyện tiền nong và cách em tìm việc làm ở những nơi mình đến điều được kể rõ trong sách. Em đã phục vụ tại một quầy giải khát, viết cho một website, và thậm chí còn đóng vai quần chúng cho một bộ phim Bollywood. Song, như tác giả chia sẻ trong một status gần đây trên Facebook, "[...] mình không quan tâm đến chuyện mình đi qua bao nhiêu nước, tiêu bao nhiêu tiền. Cái quan trọng là những gì mình thấy, những con người mình gặp [...]", em dành rất ít đất trong sách để nói về việc kiếm và tiêu tiền. Trong đoạn cuối sách, em cũng khẳng định mình không bao giờ mang nhiều tiền khi bị mất ví trước khi lên đường sang châu Phi.

Ngoài chuyện 700USD, một điều khác khiến sách gây tò mò ngay từ trước khi phát hành là liệu Huyền chip có thực sự trải qua một chuyến hành trình "trong 2 năm và qua 25 quốc gia" như em chia sẻ ở một hội thảo gần đây tại Hà Nội hay không. Nếu không hoài nghi về chuyện đó, khi đọc xong quyển sách, người ta sẽ có một sự nghi ngờ khác, vì Huyền chip dường như gặp quá nhiều may mắn trong chuyến hành trình của mình.

Chính tác giả cũng không phủ nhận điều này.

"Nhiều người không tin vào chuyến đi của tôi vì có vẻ như nó nhiều cái may mắn từ trên trời rơi xuống quá", em viết trong đoạn mở đầu khi chuẩn bị sang Kashmir.

"Tôi không trách họ, bởi bản thân tôi nhiều lúc cũng không dám tin vào vận may của mình".

Quả vậy, ngoài trừ lão già dụ em về nhà đánh máy thuê lúc nửa đêm rồi sau đó định sàm sỡ với em và vài kẻ thô lỗ khác thảng hoặc xuất hiện trong sách, có vẻ như tác giả toàn gặp những người tốt bụng, tử tế trên đường. Em dường như không gặp vấn đề lớn nào với những coachsurfing host -- những người chia sẻ chỗ ở cho em ở hầu hết những nơi em qua, đến những người bạn đồng hành, những người cho em đi nhờ xe, những người tử tế đi cùng em, cho em ngủ nhờ, hay hướng dẫn em đường đi nước bước.

Điều thú vị nhất quyển sách, đúng như tác giả đã chia sẽ ở status đã dẫn ở đoạn trên, chính là những người em đã gặp. Ai cũng có cá tính riêng, một nét đặc biệt độc đáo hay ho nào đó mà bất cứ kẻ lữ hành nào cũng mong muốn gặp trên những bước đường rong ruổi của mình.

Sẽ có ai đó nói rằng nếu may mắn được như Huyền chip, thì họ cũng đã có thể thực hiện một chuyến hành trình như vậy.

Nhưng điều khác biệt, phải chăng chính là trong khi họ chỉ ngồi và nói nếu, thì Huyền chip đã thực sự xách balô lên, và đi.

Comments

Popular posts from this blog