Khai bút đầu xuân 2013


Một ngày giáp tết, tôi bị đánh thức bởi mùi bánh tét quyện với dưa món thoang thoảng trong không gian. Dẫu vẫn còn mơ màng trong giấc ngủ, tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng mùi hương ấy đến từ tâm tưởng hơn là thực tế, bởi khu nhà tôi lúc ấy cũng đã vắng bóng người, vì như mọi người vẫn nói trong những ngày ấy, đang có một cuộc 'di dân' lớn khỏi Sài Gòn khi Tết đã cận kề.

Vậy là tết đã đến -- khoảng thời gian được mong đợi nhất trong năm cho những ai đã quá mệt mỏi vì bộn bề cuộc sống. Tết là thời điểm duy nhất trong năm người ta sẵn sàng gạt mọi thứ sang một bên, để hăm hở đưa tay nhấn nút tắt cái guồng quay cuộc sống, vốn đang quay vun vút không nhìn rõ mặt người, để nó dần chậm lại và cuối cùng là ngưng hẳn trong đêm giao thừa -- phút lắng đọng cho một sự nghỉ ngơi, dẫu không được dài lắm.

Những ngày này người ta hay nói đến tết của những ngày xưa, tết của tuổi thơ và thời thơ ấu. Nhưng sao luôn là tết của những ngày tháng cũ mà không phải là tết nay -- tết của bây giờ, vì ngày hôm nay cũng sẽ chóng thành ngày xưa trong một tương lai rất gần? Tự hỏi, và cũng tự trả lời, rằng phải chăng cuộc sống cũng như một quyển sách, nào ai biết thật hay dở khi vẫn đang ở một trang nào đó giữa lưng chừng sách. Cũng vậy, tết của ngày nay là điều mới mẻ, đang diễn ra, nào ai biết thế nào mà nhắc nhớ, hay bàn tán về chúng. Trong khi đó, tết xưa với mỗi người là cả một câu chuyện dài để kể, bởi đã qua bao nhiêu năm tháng, kỷ niệm, ký ức, cảm xúc và nhiều nhiều thứ nữa đã chất chồng và nối dài với nhau như những khoanh nhang tỏa hương nghi ngút những ngày đầu năm.

Mới hay 60 năm cuộc đời không đơn giản như một chiếc bánh để có thể dễ dàng chia thành ba phần bằng nhau, để khi 20 người ta thường nhớ những ngày thơ ấu, rồi khi 40 lại nhớ những ngày đôi mươi sôi nổi, và cuối cùng, ở bên kia con dốc của cuộc đời, người ta dành nhiều thời gian để hoài niệm những ngày 40 chính chắn giữa cuộc đời. Nhưng không phải thế. "Miếng bánh" đầu tiên, của những ngày thơ bé đến tuổi 20 tròn trĩnh luôn được người ta nhớ nhiều nhất. Phải chăng vì ta đã trải qua những ngày thơ dại đó mà không phải bận lòng so sánh với những ngày xưa? Vì làm gì có "ngày xưa" khi ta 6 tuổi hay 10 tuổi để tiếc nhớ hay ghen tỵ vì ngày xưa thích lắm, khác hẳn với bây giờ?

Khi bước vội từ ngày này sang ngày khác trong năm, đôi khi tôi lại nhớ đến những người đã cùng mình ngồi chung trên chuyến xe bus cuộc đời những đã vội vàng chia tay, xuống trạm, đổi sang một chuyến xe khác vì những hiểu lầm, bất đồng, mâu thuẫn, cãi vả nào đó. Có những chuyện đã xảy ra quá lâu, đến nỗi nếu lỡ có cùng ngồi chung một chuyến xe khác, cũng không biết gọi nhau là gì, nhưng đôi lúc tôi vẫn muốn thử liên lạc lại, hỏi thăm một vài câu bâng quơ nào đó. Để xem thời gian qua đi, tuổi tác ngày càng thêm và độ trưởng thành ngày càng lớn, người ta có sẵn sàng tha thứ cho nhau?

Người ta hay nhớ về những ngày xưa và định danh cho chúng là "cái thời" nào đó. "Cái thời con nít ấy mà", "cái thời tuổi trẻ bồng bột đó thôi". Mấy ai biết được sau này, khi nhắc nhớ lại những ngày đang sống, ta sẽ dùng từ nào để gọi tên? Bỗng nhớ một câu trong Đường còn dài còn dài của Nguyễn Thiên Ngân tôi đã đọc khi 20 tuổi: “những người đã 20 tuổi, sao chưa làm được gì trong đời, mà nỗi hụt hẫng, thất vọng thì đầy trong lòng.”

Đó có thể là cách tôi gọi những ngày 20 của mình. Còn những ngày trong năm đánh dấu đã đi hết hai vòng con giáp này có lẽ phải chờ vài năm nữa mới có thể gọi tên.

Vài dòng khai bút đầu xuân

(Bài viết mùng 1 tết Quý Tỵ tức 10/2/2013)

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh