Thuở ấy tôi như con chim lạc đà...




Thử lý giải vì sao một quyển sách nhằm giải đáp thắc mắc, cung cấp kiến thức cho con trẻ, lại dám khẳng định “Loài chim lớn nhát trên thế giới là lạc đà”?

Theo báo chí, quyển sách có phần lý giải về "chim lạc đà" gây xôn xao trên mạng tuần qua chính là "Mười vạn câu hỏi vì sao" của tác giả Đức Thành, do NXB Hồng Đức ấn hành tháng 9-2015, với đối tác liên kết xuất bản là công ty TNHH văn hoá Minh Tân - nhà sách Minh Thắng, in 2.000 cuốn.

Không rõ những câu khác trong số "mười vạn câu hỏi" có chứa kiến thức sai lè, mà lỗi rõ là do dịch thuật, nữa hay không. Chỉ thắc mắc không biết vì sao một lỗi sai to đùng như thế có thể vượt qua bao nhiêu vòng dịch, duyệt, kiểm tra, cho đến khi sách ra thị trường và bị phát hiện?

Theo tấm ảnh chụp được lan truyền trên mạng, quyển cẩm nang này đã trả lời câu hỏi "Loài chim lớn nhất trên thế giới là loài nào?" một cách hùng hồn: lạc đà


"Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn, mà tốc độ chạy cũng rất nhanh. Nó đã là chim, vậy vì sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không biết bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thoái hoá rồi”.

Nếu thay lạc đà bằng đà điểu, đoạn văn hoàn toàn ổn. Điều này cho thấy cứ như thể ai đó đã chơi khăm, dùng tính năng Find & Replace của Word để sửa tất cả những chỗ "đà điểu" thành "lạc đà".

Theo suy đoán, lỗi sai nằm ở khâu dịch, nhiều khả năng là dịch bằng máy (Google Translate muôn năm). Bởi trong tiếng Anh, đà điểu ngoài từ quen thuộc ostrich thì còn gọi là camel bird (Tham khảo: http://www.merriam-webster.com/dictionary/camel%20bird)

Tra rộng ra, Wikipedia cho biết có loài gọi là Arabian ostrich, mục tiếng Việt gọi là Đà điểu phi châu, không rõ đúng không vì loài này sống ở Bán đảo Arab vốn thuộc châu Á.
Chim lạc đà đây
Arabian ostrich được gọi là camel bird bởi, theo giải thích từ Wikipedia cũng như trang Nikela, loài đà điểu này có nhiều nét giống lạc đà: "Không chỉ có cổ dài, mắt lồi, lông mi dài như nhau, cả lạc đà và đà điểu phi châu đều có khả năng chịu nhiệt độ cao và không cần uống nước trong thời gian dài."

Như vậy có thể suy ra trong bản gốc (không rõ tiếng gì. Nghe nói tiếng tàu) toàn bộ bài viết về "loài chim lớn nhất thế giới này" đều sử dụng camel bird với ý chỉ "chim lạc đà" tức đà điểu, chứ không phải " lạc đà". Vì một lý do kỳ bí nào đó, anh biên dịch đã vô tư dùng "lạc đà" cho cả bài và anh biên tập viên (nếu có) cũng chả buồn thắc mắc.

Nhiều người cho rằng bản tiếng Việt là dịch từ Trung Quốc. Vậy nếu bản tiếng Hoa cũng đã dịch qua một lần từ tiếng Anh thì sao?

Kiểm tra bằng Google dịch, ta thấy như sau:

(1) camel bird => English to Chinese (simplified) => 骆驼鸟

(2) 骆驼鸟 => Chinese (simplified) to Vietnamese => chim lạc đà

(1) & (2) => đpcm

Các bạn có thể tự kiểm tra lại bằng Google dịch.

Điều thú vị thì đà điểu Hán Việt há chẳng phải chính là đà (trong lạc đà) + điểu (chim) đó sao?
con này là đà điểu
Ngoài ra, khi dịch camel bird từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, Google dịch là chameau-oiseau. Từ này theo Wiktionary thì là cách gọi khác của autruche, cũng thuộc họ đà điểu (https://fr.wiktionary.org/wiki/oiseau-chameau)

Lại có ý kiến cho rằng "chim lạc đà" là từ cổ, nghĩa cổ, đúng là chỉ đà điểu, cũng như camel bird trong tiếng Anh. Lý giải này không phải không có lý, nhưng nó sai trong trường hợp quyển "một vạn câu hỏi vì sao" này.

Thứ nhất, như hình chụp thể hiện, sách không hề nói "chim lạc đà", mà chỉ tuyền là "lạc đà".

Như câu này, "Trong các loài lạc đà, lạc đà châu Phi là nổi tiếng nhất, hơn cả lạc đà châu Mỹ và lạc đà châu Úc". Như vậy là sai rành rành rồi không thể biện hộ được.

Chưa rõ có cách gọi "chim lạc đà" thật không, nhưng cho dù là như thế, nếu sách này muốn dùng từ đó, cũng nên bắt đầu bằng từ phổ thông trước là đà điểu, sau đó muốn mở ngoặc giải thích thêm kiểu "đà điểu còn gọi là chim lạc đà bởi blah blah", thì có lẽ sẽ không đến mức này.

Tóm lại, sách sai, bị "cư dân mạng" phát hiện, chửi bới rần rần (có người còn lôi cả bộ giáo dục vào chửi, dù không liên quan lắm). Đơn vị phát hành cũng đã tiến hành thu hồi, và lỗi cuối cùng chắc cũng là "do thằng đánh máy mà thôi". Anh biên tập viên sướng nhỉ?

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh