Triệu người vui cũng có triệu người buồn
Câu nói nổi tiếng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhắc đến khi tôi phỏng vấn Edward Miller, giáo sư sử học người Mỹ chuyên về chiến tranh Việt Nam, một chiều tháng ba tại Sài Gòn.
Cuộc trò chuyện diễn ra ở thời điểm không thể tốt hơn để bàn về quan hệ Việt - Mỹ, khi VN vừa kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước và hai quốc gia cũng mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với hàng loạt hoạt động trong năm 2015.
Quan hệ Việt - Mỹ trong 20 năm qua, theo GS Miller, là “câu chuyện tuyệt vời khi nhìn lại” nhưng câu nói của ông Kiệt: “Có một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” vẫn chưa bao giờ hết giá trị.
Là bởi dù tiến trình hòa giải giữa hai nước, hai chính phủ, và giữa các tổ chức với nhau trong giáo dục, kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu, “trong một phương diện khác, sự hòa giải vẫn chưa đạt được bước tiến như thế,” nhà sử học đã nghiên cứu VN từ năm 1995 nhấn mạnh.
“Tôi đang nói đến sự hòa giải bên trong nước Mỹ và bên trong Việt Nam. Trong cả hai trường hợp, cuộc chiến đã để lại một di sản gồm những ký ức đau buồn và cảm xúc tồi tệ mà tôi tin cả người Việt lẫn người Mỹ vẫn đang cố gắng vượt qua. Họ vẫn đang cố gắng để hòa giải và vượt qua sự chia rẽ trong xã hội mà chiến tranh để lại. Vết thương của chiến tranh vẫn chưa lành, ngay cả ở Mỹ hay Việt Nam.”
Những vấn đề hòa hợp dân tộc trong nội bộ từng nước chính là sự khác biệt giữa miền Nam và Bắc Việt Nam, cả khác biệt giữa những người sống trong cùng một thành phố, và trong từng gia đình, khi một thành viên theo phe này của cuộc chiến và thành viên khác lại theo bên kia.
Tại Mỹ, tình trạng cũng như thế, dù trong thời chiến tranh Việt Nam, người Mỹ không đối đầu nhau trên trận địa, nhưng xã hội rất chia rẽ. Người Mỹ bất đồng về cuộc chiến, nhiều gia đình, tổ chức chia rẽ vì chiến tranh. Cả chính phủ cũng bị chia rẽ.
“Đó là thời điểm mà người Mỹ rất bất đồng với nhau. Chúng tôi vẫn phải tìm cách để vượt qua nó,” ông nói.
Nhưng GS Miller tin rằng vẫn có cơ hội cho cả VN lẫn Hoa Kỳ, nếu nhìn vào sự hòa giải đã đạt được giữa hai đất nước để tìm ra cách hòa giải bên trong nội bộ từng nước.
“Khi người Mỹ và Việt Nam đã hòa giải và cùng nhau vượt qua di sản chiến tranh, tôi nghĩ người Mỹ và Việt Nam cũng có cơ hội để vượt qua bất đồng nội bộ của họ.”
Tại Dartmouth College, một trường thuộc khối Ivy League của Mỹ, Edward Miller dạy sử cho cả sinh viên đại học lẫn cao học. Các khóa học được yêu thích nhất của ông, không ngạc nhiên gì, là về chiến tranh VN.
Nếu việc SV Mỹ quan tâm đến cuộc chiến này không phải là điều lạ, thì với SV gốc Việt thì sao? Có một chút hận thù nào chăng, sau những biến cố lịch sử sau ngày 30-4-1975?
“Họ không hận thù,” Miller đáp. “Họ cũng như những sinh viên người Mỹ khác, thật sự muốn học. Vài sinh viên của tôi là người Việt đến từ Việt Nam, họ cũng rất ngạc nhiên.”
Những SV đến từ VN đó, có thắc mắc sao cùng là một cuộc chiến, mà họ lại được dạy khác nhau khi học tại Mỹ và tại quê nhà. Miller nói các SV VN đã nói với ông như thế, nhưng “tôi nói với họ rằng chẳng sao cả.”
Câu chuyện của chúng tôi vì thế chuyển sang sự khác biệt về cách nhìn của hai nước về cuộc chiến, và cách mà lịch sử được dạy về cuộc chiến tranh này.
Miller nói mục đích của giáo dục đại học là để học cách suy nghĩ mới.
“Chúng ta không chỉ học về các dữ kiện. Chúng ta học những cách khác để nhìn nhận thế giới. Nếu một sinh viên đến từ Việt Nam vào lớp của tôi học hay tìm ra một cách mới để nghĩ về lịch sử Việt Nam và chiến tranh Việt Nam thì tôi xem như đã thành công.”
Trả lời câu hỏi về độ chênh giữa cách mà lịch sử, đặc biệt là giai đoạn chiến tranh Việt Nam, được dạy tại Mỹ và Việt Nam, Miller khẳng định, dù các sử gia ở cả Mỹ và Việt Nam phải trao đổi và hợp tác với nhau, mục đích cuối cùng không phải là làm sao mọi người đều nghĩ như nhau.
“Mục tiêu phải là để mọi người cùng trao đổi ý kiến. Lịch sử là diễn giải và chúng ta sẽ có cách diễn giải khác nhau, chúng ta sẽ bất đồng, chúng ta sẽ cãi nhau, nhưng đó là cách giúp ta đến gần hơn với sự thật.”
Quan điểm này được ông lặp lại nhiều lần, nhất là khi được hỏi liệu có bao giờ ông bất đồng với các sử gia và đồng nghiệp người Việt khi bàn về cuộc chiến.
“Dĩ nhiên có đôi lúc chúng tôi bất đồng, cũng như tôi có nhiều bất đồng với bạn bè và đồng nghiệp khi ở Mỹ. Nhưng điều đó là bình thường. Đó là việc các sử gia phải làm. Lịch sử không chỉ đơn thuần là về các sự việc. Lịch sử còn là sự diễn giải.”
Với Miller, giới sử học hai nước có thểkhông đồng ý với nhau về mọi thứ, nhưng “những bất đồng ấy sẽ giúp chúng tôi đến gần với sự thật hơn.”
Chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện, và tôi biết rõ bài viết về buổi phỏng vấn này sẽ bắt đầu từ quan điểm của Edward MIller về lịch sử:
“Mục đích của lịch sử là đến gần hơn với sự thật. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ đến được sự thật, nhưng chúng ta sẽ đến gần nó hơn bằng cách trao đổi lẫn nhau.”
TRƯỜNG SƠN
Saigon, 30-4-2016.
Đọc bài phỏng vấn Edward Miller tại đây: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20160430/ta-se-cai-nhau-nhung-cung-tien-gan-hon-voi-su-that/1093369.html
Comments
Post a Comment
Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.