Mua tiền 100 đồng có gì sai?


Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tiền giấy 100 đồng kỷ niệm 65 ngày thành lập đã gây tranh cãi suốt từ khi quyết định được công bố cho đến khi tờ bạc này chính thức phát hành.

Không bàn đến những chỉ trách nhằm vào sự lãng phí trong việc này của NHNN, những người mua tờ bạc kỷ niệm này cũng đang bị ném đá là “ngu ngốc” vì “lấy 20.000 đổi lấy 100 đồng”.

Có chút buồn cười khi thấy những bình luận ném đá như vậy.

Luận điểm của những kẻ chỉ trích chính là họ sẽ không bỏ tiền ra mua một "tờ giấy vô giá trị" không dùng được, trong khi mục đích và vai trò của tờ tiền rõ ràng là để kỷ niệm ngày thành lập ngành ngân hàng, và nó có giá trị lưu niệm, chứ nào phải tờ giấy lộn?

Tờ tiền 100 đồng đúng là một món hàng kỷ niệm không hơn không kém, vậy mua một món đồ như vậy là ngu ngốc sao?

“Mua cái này về làm gì?” những comment trên mạng, mà nếu được chuyển sang văn nói, hẳn phải chanh chua và kèm một cái dẩu môi nhếch mép, khinh khỉnh. Hóa ra đồng tiền kỷ niệm phải dùng được cơ. Phải xứng đáng với 20.000 đồng bọ bỏ ra cơ. Chứ mua về nhét dưới mặt kính bàn làm việc để làm kỷ niệm thì không được nhé, lãng phí nhé.

Trên mạng đang lan truyền bức ảnh về cái gọi là “máy đo độ ngu”, trong đó người ta cho tờ 20.000đ vào khe để nhận được tờ 100đ, và hành động này được cho là ngu.

Tờ bạc có mệnh giá 100 đồng và không có giá trị thanh toán, không có nghĩa nó phải trị giá 100 đồng. Do đó khi ta trả 20.000 đồng để mua nó, không phải ta đã biếu không 19.900 đồng cho NHNN đâu quí vị ạ.

Nếu mệnh giá của tờ bạc kỷ niệm là 1 đồng cũng không có nghĩa ta "ngu" hơn so với trường hợp 100 đồng, và nếu nó là tờ bạc 500.000 hay 1.000.000, cũng chẳng làm ta "khôn" hơn.

Rốt lại, ta tốn 20.000 mua lấy một món hàng kỷ niệm. Thuận mua vừa bán. Ta chẳng mất chi, chẳng ném tiền qua cửa sổ. 

Đã gọi là lưu niệm thì dù nó có vô nghĩa, vô giá trị trong mắt người này, thì vẫn có những người sẵn sàng bỏ tiền ra mua vì họ thấy được giá trị của chúng.

 Ta có gọi là ngu không khi bỏ 100.000 đồng để mua một con tem có mệnh giá 2.000 đồng để đưa vào bộ sưu tập của mình? Một quyển sách cũ giá bìa 50.000, được bán với giá 80.000, vẫn có người mua vì họ thật sự cần chúng. Và sao ta lại trách cách một người xài tiền của họ nhỉ?

Hơn nữa, 20.000 đồng chẳng phải to tát gì, mua tờ tiền đèm đẹp, cũng có chút ý nghĩa về làm kỷ niệm, mà phải chịu tiếng ngu, khổ thật. Chắc hẳn bỏ ra 20.000 phải mua được tờ tiền xài được với giá trị tương đương, thì mới là thông minh hay sao?

Tết nào cũng rộ lên bán tờ 2 USD với giá chừng 50.000, nghĩa là cũng như đổi đô thông thường, thì ta gật gù hưởng ứng. Lại có nhiều web bán tiền độc, lạ ở các nước, ta cũng đổ xô mua nhưng "quên" ngồi làm tính xem ta có "ngu" vì trả tiền cao cho một "tờ giấy không xài được" hay không.

Đơn cử, trang web nọ bán tờ 500 Rupiah của Indonesia với giá 30.000 đồng một tờ, trong khi theo tỷ giả, 500 Rupiah chỉ bằng 800 VND. Mà tiền mua về cũng không xài được đâu nhé.

“Để dành 20000 mua hủ tiếu gõ cho con!”, “Riêng tôi, giá 20.000 đổi 100đ tôi không mua dù với bất cứ hình thức nào”, những comment thật thần sầu. Tờ tiền kỷ niệm của ngành ngân hàng bây giờ được nhìn như một cái gì đó ghê tởm, “có cho cũng chẳng lấy”.

Lại có ý kiến cho rằng NHNN chỉ nên lưu hành nội bộ, tặng tờ 100 đồng cho đối tác mà thôi. Khi ấy, hẳn các vị sẽ tìm đường để mua cho được một tờ, bởi lúc đó nó là hàng hiếm, ta phải có cái mà người khác không có.

Đọc những phản ứng tiêu cực về tờ tiền 100 đồng mà phát bệnh vì người ta lấy cái nông cạn của mình ra để bình luận về trí khôn của người khác.

Trong chuyện này, chỉ hiềm một nỗi, NHNN không có kênh phân phối tờ 100 đồng nào đơn giản và tiện lợi một chút, vì mình muốn mua quá mà chẳng biết phải làm sao đây?

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog