Công nghệ cho người "mong ước kỷ niệm xưa"

Những món đồ công nghệ cũng có thể là tấm vé đi tuổi thơ với nhiều người. Nhưng đánh vào hoài niệm của người dùng để khiến họ móc hầu bao tìm lại chút kỷ niệm xưa, như một số thương hiệu vừa làm, có thật là lựa chọn đúng?

Việc làm sống lại những đồ chơi công nghệ của một thời xưa cũ, hoặc thổi hồn mới, hiện đại vào thiết bị mang hình mẫu cũ được gọi là retro tech hay technostalgia – ghép giữa technology (công nghệ) và nostalgia (hoài niệm).

Không khó để kể vài ví dụ retro tech. Chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện đình đám Pokémon Go mùa hè năm ngoái, khi Nintendo “đánh” vào giấc mơ thuở thiếu thời của những người lớn lên cùng những con quái thú và hệ máy chơi game cầm tay Game Boy cách đây 20 năm. Sang năm 2017 là câu chuyện điện thoại cục gạch Nokia 3310 và BlackBerry KeyOne với bàn phím vật lý QWERTY “hồi sinh” tại triển lãm Mobile World Congress cuối tháng 2, giữa thời chạy đua smartphone màn hình cảm ứng. Mới hơn cả là sự kiện hãng đồ chơi Nhật Bản Bandai hồi giữa tháng 4 tuyên bố sẽ hồi sinh chú gà ảo Tamagotchi, đồ chơi công nghệ đáng mơ ước cách đây tròn 20 năm.

Nhưng ví dụ mạnh mẽ nhất để chứng minh cho retro tech lại là đĩa than (vinyl) – 13 triệu bản đĩa vinyl LP (long playing) đã được bán ra năm ngoái, theo số liệu của Nielsen, trong thời đại “muốn nghe gì cũng có” nhờ smartphone và các dịch vụ nhạc trực tuyến.

Song nhà sản xuất có chắc thắng khi đặt cược vào tính hoài cựu của người tiêu dùng? Technostalgia là trào lưu nhất thời hay sẽ là “tương lai của công nghệ” như tờ Independent (Anh) ngày 1-3 nhận định?


Ai ưa hoài cựu?

Những sản phẩm retro tech có thể lạ lẫm trong mắt người tiêu dùng đương thời, nhưng chúng lại có ý nghĩa rất lớn của người đi trước, bởi chúng đã gắn bó với họ trong một thời xưa cũ, mà quá khứ thì luôn gợi nhớ và khiến người ở hiện tại xuyến xao. Nếu “cái thuở ban đầu lưu luyến” hay cái nắm tay đầu tiên là thứ ta không thể quên suốt đời, thì cuộn băng game Nintendo đầu tiên ta sở hữu hay chiếc điện thoại Nokia cục gạch đầu đời cũng là thứ “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.

Trong một chia sẻ trên đài Newstalk (Ireland), tác giả Kevin Kelly ví cảm giác hoài niệm của con người với công nghệ cũng như thái độ tình cảm của chúng ta với phim hoạt hình. “Chúng ta ai chẳng là ‘fan cuồng’ của hoạt hình khi còn nhỏ, và rồi khi vào tuổi thiếu niên, ta giả vờ rằng mình đã qua tuổi xem chúng, để rồi khi vào đại học, bạn bắt đầu muốn tìm lại những bộ phim xưa cũ” – Kelly viết.

Vì sao hãng trò chơi điện tử Nhật Nintendo lại hồi sinh hệ máy chơi game NES vào tháng 11-2016, với những trò chơi huyền thoại có từ 21 năm trước như Super Mario, trong thời game trực tuyến với đồ họa đẹp còn hơn thật? Là bởi họ biết rằng có một thế hệ người chơi, dẫu đang ở tuổi trưởng thành hay thậm chí trung niên, sẵn sàng đón nhận NES 2016 để tìm lại cảm giác của ngày xưa, một chuyến tìm về quá khứ, một vé đi tuổi thơ không đắt lắm (chỉ 60 USD).

Nếu một người đã từng trải qua thời thơ ấu trong tiếng nhạc du dương của đĩa vinyl, từng tròn xoe mắt ngạc nhiên khi cha hạ cây kim của chiếc máy vào mặt đĩa là âm nhạc từ đâu vang lên như ma thuật, họ sẽ sẵn sàng tìm lại hình thức nghe nhạc này dù hàng triệu bài hát đã nằm ngọn trong túi – chiếc smartphone với các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Chính thế mà doanh số đĩa than – và cả băng cassette (ai mà không nhớ cái thời dùng cây bút chì xoay xoay để tua băng hay đau khổ ngồi gỡ băng rối trong máy) – chẳng những giảm đi giữa cơn lốc nhạc số mà còn tăng. Vẫn theo Nielsen, doanh số băng nhạc cassette năm 2016 đạt 129.000 cuộn, tăng vọt 74% so với một năm trước đó.

Ngoài chuyện “xin một vé đi tuổi thơ”, sản phẩm retro tech còn hấp dẫn những người “bội thực” với công nghệ, sớm nhận ra càng để máy móc làm thay phần mình bao nhiêu thì càng hại bấy nhiêu. Ví dụ điển hình nhất là chúng ta mấy ai còn biết cách xem bản đồ, vì đã có Google Maps chỉ đường bằng giọng nói? Trong bài viết tháng 2-2017 trên The Conversation, hai tác giả Ozgur Dedehayir và Tomi Nokelainen cho rằng những người ưa thích technostalgia tin rằng đồ công nghệ không nhất thiết phải đa chức năng, tất cả trong một như chiếc smartphone. Họ tận hưởng công nghệ theo đúng những gì thuần khiết nhất – nghe nhạc bằng máy nghe nhạc, chụp hình bằng máy ảnh, tức xu hướng “lấy công nghệ làm trung tâm” (technology-centered) thay vì chức năng của nó (application-centered). Những người này không muốn đồ công nghệ làm hết mọi thứ, mà mình phải dự phần vào đó. Đây chính là lý do nhiều người vẫn thích máy chụp phim, cài đặt thông số, lấy nét thủ công thay vì dùng máy kỹ thuật số hay chụp bằng smartphone. Hay như những người “thương nhớ” hoặc thậm chí “nghiện” cảm giác gõ tay trên máy đánh chữ, phải sửa, xóa từ thủ công. Ngành sách in vẫn chưa bị ebook giết chết như từng lo ngại trước đó, bởi vẫn có người nghiện cảm giác sờ, ngửi và cảm nhận một quyển sách thực thụ thay vì lướt tay để lật trang trên máy tính bảng hay máy đọc ebook.

Song retro tech không chỉ hấp dẫn với “người già”. Ngày 11-4, Đài DW (Đức) dẫn lời David Sax, nhà báo và tác giả quyển sách “Sự trả thù của thiết bị analog”, cho rằng người trẻ cũng góp phần tăng doanh số thiết bị retro tech. “Họ mua máy chơi đĩa than dù chưa từng biết đến chúng trước đó, bởi với họ đây là công nghệ ‘cũ người mới ta’” – Sax cho biết. Gần 50% số người mua đĩa vynil trong năm 2016 dưới 35 tuổi, theo số liệu của hãng ICM Unlimited. Tương tự, máy chụp ảnh lấy liền Polaroids cũng là “công nghệ mới” lạ lẫm và hấp dẫn người trẻ, những người lớn lên với máy ảnh số và các bộ lọc chỉnh hình lung linh trên smartphone. Trên hết, xài đồ retro tech cũng là cách để người trẻ khẳng định cá tính bởi nó mang đến sự khác biệt. “Trong thế giới kỹ thuật số thì những thứ xưa cũ thật đặc biệt và cuốn hút – DW dẫn lời nhà nghiên cứu tiêu dùng Daphne Kasriel – Người trẻ muốn khẳng định các tôi và không muốn lẫn vào các xu hướng chủ lưu”. Giữa một rừng người múa phím trên laptop, ta sẽ nổi bật nếu ngồi từ tốn gõ lóc cóc trên thiết bị retro theo mẫu chiếc máy đánh chữ thời chưa có máy tính.


Máy ảnh lấy liền Polaroid thiết kế hiện đại – công nghệ cũ người mới ta với giới trẻ

Có thực sự dễ ăn?
Thị trường retro tech có vẻ khá hấp dẫn khi nhóm người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận chúng có vẻ không quá ít. Người dùng lãng mạn “mong ước kỷ niệm xưa”, còn nhà sản xuất thực dụng hơn, nhanh chóng tìm cách khiến khách hàng móc hầu bao để mua “một vé đi tuổi thơ” – tức các sản phẩm retro tech.

Dĩ nhiên retro không có nghĩa là sao y bản chánh, làm lại một món hàng theo đúng khuôn mẫu hơn 2 thập niên trước mà không thêm thắt gì. “Nếu biết cách khai thác, hoài niệm của người dùng sẽ mang đến lợi nhuận khủng” – trang tin DNA ngày 1-3 nhận định và đưa ra ví dụ đôi giày tự buộc dây HyperAdapt của Nike – phiên bản thật của sản phẩm được nhắc đến trong bộ phim giả tưởng kinh điển Back to the Future II. Với tư duy tương tự, các sản phẩm retro đình đám gần đây đều có chút ít hiện đại: Pokémon Go ứng dụng công nghệ thực tại tăng cường AR, điện thoại Nokia 3310 cũng có màn hình màu và camera, BlackBerry KeyOne mang hồn mới (hệ điều hành Android thay vì BlackBerry OS) trong hình hài cũ.

Tương tự, công ty Elretron (Mỹ) đang gây quỹ trên Kickstarter cho dự án bàn phím mô phỏng máy đánh chữ dành cho smartphone có tên Penna – sản phẩm kết hợp nét đẹp cổ điển vạn người mê của chiếc máy đánh chữ với công nghệ bàn phím Bluetooth hiện đại. Người dùng có thể cắm thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng) vào khe – nơi vốn dĩ dành để đặt giấy – vào Panna và trải nghiệm cảm giác “mổ cò” trên bàn phím cổ, và những gì họ gõ sẽ được chuyển vào thiết bị qua Bluetooth.

Bàn phím Penna: Cổ điển + hiện đại

Mọi thứ có vẻ quá hoàn hảo cho các nhà sản xuất để bước vào con đường retro tech – đã xác định được người dùng, giải phép hòa trộn cổ điển và hiện đại cũng đã có. Tuy nhiên, trong thực tế việc hái “tiền tươi thóc thật” từ hoài niệm, khao khát trở về tuổi thơ của người dùng hóa ra không dễ dàng như vậy.

Sau những xôn xao ngày ra mắt, cả Nokia 3310 lẫn BlackBerry Keyone nhanh chóng thành bom xịt vì khi cảm giác bồi hồi trở lại thuở bấm điện thoại trên bàn phím vật lý hay chơi trò “rắn săn mồi” trứ danh trôi qua, người ta không còn thấy gì hấp dẫn ở chiếc điện thoại chỉ có nghe gọi nhắn tin. Brian Heater, biên tập viên trang tin công nghệ TechCrunch đánh giá “chỉ riêng hoài niệm thôi chưa đủ là lý do để mua một chiếc điện thoại”. “Đánh vào mong nhớ quá khứ của người dùng là xuất phát điển tốt để thu hút sự chú ý trong thị trường vốn đang đông đúc, song bạn cần nhiều hơn là bám vào thương hiệu của mình” – Heater viết, ngụ ý Nokia và Blackberry không thể trở lại thời hoàng kim bằng cách “ăn mày dĩ vãng”.

“Nokia và Blackberry bắt đầu đầu tư vào thiết kế, hình thức và ý tưởng mới càng sớm chừng nào thì người tiêu dùng sẽ chào đón họ trở lại càng sớm chừng nấy” – trang Business World đánh giá. Trang Computer World cũng cho rằng retro tech với riêng lĩnh vực smartphone là sai lầm bởi thị trường đang cần sự cách tân chứ không phải lui về quá khứ. “Rốt cuộc chúng ta không có được một chiếc điện thoại màn hình 6,2 inch với những ứng dụng độc đáo chưa từng có trước đó, để giúp thị trường smartphone tươi mới trở lại, mà thay vào đó là một chiếc điện thoại cũ kỹ làm thị trường lại càng cũ kỹ hơn” – tác giả John Brandon viết trên Computer World.

Rõ ràng nhu cầu tìm lại cảm xúc xưa là có, song không phải ai cũng muốn lên tàu về tuổi thơ mãi, nhất là “tuổi thơ” lại kém tiện nghi và không còn phù hợp với nhu cầu thời hiện tại.

BOX

Trong khi đó, trong một động thái khiến người dùng ngạc nhiên và sốc nặng, hồi giữa tháng 4 Nintendo bất ngờ tuyên bố dừng bán máy NES 2016 dù thành công rực rỡ. Nguyên nhân không phải vì chiến lược retro tech này thất bại về mặt doanh số (từ tháng 11-2016 đến 2-2017, Nintendo bán được 1,5 triệu máy), mà là con đường technostalgia hóa ra lại đặt Nintendo vào tình huống éo le: người ta quá nồng nhiệt đón nhận sản phẩm cũ và hãng trò chơi Nhật Bản lo ngại không ai thèm mua hệ máy mới Switch của họ.

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh