Làm gì khi không thể cấm túi nilon?

Cấm sử dụng túi nilon là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường, song ai cũng phải thừa nhận rằng giải pháp này không bao giờ có thể thực hiện được triệt để. Một lối tiếp cận khác là chế tạo nilon xanh, thân thiện môi trường, hoặc tìm ra ứng dụng đột phá cho nilon tái chế.



Tạm biệt chai nhựa

Túi nilon, chai lọ bằng nhựa là tác nhân ô nhiễm lớn bởi chúng đa phần chỉ dùng một lần là vứt ra môi trường, song lại không phân hủy toàn bộ được và để lại tồn dư độc hại. Nhà sản xuất có làm chai thủy tinh và lon kim loại, song với nước tinh khiết hay nước suối, không gì tiện bằng chai nhựa uống xong vứt ngay. Người dùng được khuyên nên tái sử dụng chai nhựa bằng cách không vứt đi mà dùng để hứng nước từ vòi, nhưng các giải pháp này, dù được thực hiện triệt để, cũng chỉ như muối bỏ bể.
Các tiến bộ khoa học gần đây đã thúc đẩy việc dùng nhiều nguồn nguyên liệu vốn không ai ngờ tới, như tảo biển, củ sắn và vỏ tôm, để tạo ra nhựa sinh học (bioplastic), có khả năng phân hủy sinh học và không gây ô nhiễm.

Thế giới sẽ không còn tràn ngập chai nhựa nếu ta có thể uống luôn chai hay vật đựng nước. Có ít nhất hai công ty khởi nghiệp đang theo đuổi mục tiêu này và đã đạt được những thành công bước đầu.
Công ty Skipping Rocks Lab (Anh) có tham vọng tạo ra vật liệu không gây ô nhiễm để thay thế chai, ly, bao bì, hộp nhựa. Sản phẩm đầu tiên của công ty này là Ooho - “chai nước” có thể ăn được. Ooho được làm từ chiết xuất tảo biển, có dạng hình cầu, mềm và đàn hồi, có thể chứa nước bên trong, nhìn bên ngoài như một giọt nước khổng lồ. Người dùng có thể “khui” một lỗ nhỏ trên “giọt nước” này để uống hoặc nuốt luôn cả viên.

Đây là “chai” nước tương lai – uống luôn cả vỏ

Skipping Rocks Lab khẳng định vỏ chai bằng tảo biển của họ rẻ hơn nhựa (chỉ tốn 2 cent để làm mỗi viên nước) và không để lại rác thải vào môi trường. Trái lại, nếu được phổ biến rộng rãi, “chai nước ăn được” có thể giúp giảm 1 tỉ chai nhựa thải ra đại dương mỗi năm và ngăn hơn 300 triệu tấn khí CO2 thải vào môi trường.

Vật liệu đặc biệt này có thể chứa được cả nước ngọt, rượu và thậm chí mỹ phẩm trong tương lai. Sản phẩm đã được bán thử nghiệm ở London và dự kiến sẽ tiếp tục được thử nghiệm tại các sự kiện thể thao lớn trong năm nay và năm tới, chẳng hạn như cuộc thi London Marathon 2018. Sản phẩm nhận được rất nhiều ủng hộ của báo giới bởi nếu thương mại hóa thành công, nó sẽ là cuộc cách mạng trong bao bì sản phẩm. Khi đó, như trang WIRED bình luận, “chúng ta sẽ không phải tái chế chai nhựa nữa mà chỉ việc ăn luôn chúng”. Sự ủng hộ còn thể hiện qua việc công ty dự kiến gây quỹ 400.000 bảng Anh trên trang crowdcube.com, nhưng đầu tháng 5 qua đã nhận được 850.000 bảng ủng hộ.
Cùng lối tiếp cận chống ô nhiễm ngay từ khâu bao bì, Kevin Kumala, một kỹ sư sinh học ở Đảo Bali (Indonesia), đã thành lập công ty Avani Eco, chuyên sản xuất bao bì làm bằng bột xay từ củ sắn.
Kumala cùng một người bạn mày mò tìm ra công thức chế tạo “nilon” 100% sinh học từ bột sắn, dầu thực vật và nhựa hữu cơ. Loại vật liệu này có thể tự phân hủy trong vòng vài tháng trong môi trường đất, và tan ngay trong nước nóng. Kumala khẳng định nhựa sinh học của anh không để lại bất kỳ tồn dư độc hại nào, và chứng minh bằng cách cho một túi nhựa tan trong nước và uống sạch chỗ nước đó.

“Tôi không sợ bởi vì chiếc túi này đã được kiểm tra độc tố - Kumala nói với CNN - Điều này có nghĩa dù có bị thải ra biển, bioplastic cũng không gây hại cho đại dương”.

Khi mới thành lập năm 2014, Avani Eco chuyên bán áo mưa làm từ “nhựa sắn”. Hiện nay, công ty này sản xuất hàng tấn nhựa sinh học từ củ sắn mỗi ngày và mở rộng công năng sang làm bao bì thực phẩm, drap trải giường bệnh và thay thế túi nilon (Túi của Avani Eco có dòng chữ “đây không phải là túi nilon”.). Nhà sáng lập Kumala cho biết công ty của anh có thể nâng công suất gấp 5 lần như thế nếu được đầu tư thêm, song các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn tin vào tiềm năng của thị trường nhựa sinh học.

Tôi không phải túi nilon

Như nhiều loại vật liệu sinh học khác, “nhựa sắn” Avani Eco cũng gặp trở ngại ở “phụ phí xanh” – khoảng tiền mà người tiêu dùng phải chi thêm để góp phần bảo vệ mẹ trái đất thông qua thói quen tiêu dùng của mình – khi túi sinh thái từ bột sắn có giá gấp đôi túi nilon thông thường.
Song Kumala có thể tự tin mình đã đi đúng đường. Chính phủ Inodnesia đã quyết định cấm túi nilon hoàn toàn vào năm 2018 và Avani Eco đang phối hợp tích cực để giúp chính quyền xây dựng lộ trình đạt được mục tiêu này.

Ngoài ra, Nicola Everitt, kỹ sư công nghệ sinh học đến từ Đại học Nottingham (Anh), đang dẫn đầu một nhóm nghiên cứu kết hợp với Đại học Nile (Ai Cập) để tạo ra một vật liệu polymer sinh học từ chitin, một chất dẫn xuất glucose có trong vỏ các loài giáp xác như tôm. Vật liệu có tên chitosan này tính kháng khuẩn và phân hủy sinh học, giúp giảm khí carbon thải và giảm rác thải từ bao bì thực phẩm.

Bao bì vỏ tôm

Giảm sản xuất túi nilon hoặc chai nhựa có ý nghĩa rất lớn với môi trường, nếu biết rằng cần phải tốn 13,5 tấn dầu thô để sản xuất được 100 triệu chiếc túi nilon.

“Đường nhựa” kiểu mới 

Người Việt vốn vẫn gọi những con đường trải nhựa đường (bitum) là đường nhựa (phân biệt với đường đất). Song kỹ sư người Anh Toby McCartney, nhà sáng lập công ty MacRebur, lại muốn làm một loại đường nhựa khác theo đúng nghĩa của nó: mặt đường được cấu tạo bằng hàng triệu hạt nhựa nhỏ tái chế từ túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa khác. Ngoài việc thân thiện môi trường hơn (thải ít khí nhà kính hơn đường bitum), loại “đường nhựa” (plastic road) này được cho là kiên cố hơn đường nhựa thông thường 60%, bền hơn gấp 10 lần và không bao giờ bị ổ gà. Cụ thể ra sao?

Giải pháp của McCartney bao gồm việc nén rác thải nhựa từ mọi nguồn, từ đồ gia dụng đến rác thải thương mại và nông nghiệp – những thứ vốn sẽ được vứa ra bãi rác và không bao giờ phân hủy hoàn toàn – thành các viên nhỏ gọi là MR6. Các con đường thông thường được làm theo tỉ lệ 90% là cát, đá, vôi và 10% bitumen. Trong công thức của McCartney, phần bitumen sẽ được thay bằng các hạt MR6, và việc trộn hỗn hợp này “không khác gì so với làm đường thông thường” - một công nhân công ty MacRebur nói với BBC. McCartney đã biến chính con đường dẫn vào nhà anh thành “đường nhựa” và sản phẩm của công ty MacRebur hiện đã được dùng cho nhiều con đường ở hạt Cumbria vùng tây bắc nước Anh.

McCartney cầm bảng giới thiệu “con đường này làm từ rác thải nhựa”

Kỹ sư người Anh tin rằng “đường nhựa” là một mũi tên bắn trúng hai đích: giải quyết vấn đề chất lượng đường xá hay bị ổ gà và lượng rác thải nhựa khổng lồ gây ô nhiễm cho Trái đất. Ngoài ra việc thay thế nhựa đường cũng góp phần bảo vệ môi trường vì gián tiếp giảm tiêu thụ dầu thô, thành phần chính làm ra nhựa đường. Theo BBC, hàng trăm triệu thùng dầu đã được dùng để sản xuất nhựa đường dùng cho gần 40 triệu kilomet đường trên khắp địa cầu.


Cuối năm 2016, KWS, công ty con của hãng xây dựng Hà Lan VolkerWessels công bố dự án PlasticRoad - làm “đường nhựa” bằng cách ghép các môđun (làm bằng rác thải nhựa tái chế) có dạng tấm ván lại với nhau. KWS khẳng định loại đường này dễ lắp đặt, dễ thoát nước (do các môđun rỗng ruột) và không gây sụt lún (môđun có trọng lượng nhẹ). Khi hết một vòng đời, các môđun lại có thể được tái chế, mang lại hiệu quả bền vững gấp đôi. KWS kỳ vọng sẽ hoàn tất con đường nhựa nguyên mẫu đầu tiên vào cuối năm 2017.

Hoài nghi dù thị trường tiềm năng?

Bất chấp các nhà khoa học và kỹ sư sinh học đang miệt mài tìm kiếm giải pháp sinh thái để thay thế túi nilon, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) lại không mặn mà lắm với bioplastic. Theo CNN, UNEP hoài nghi rằng các vật liệu được cho là có thể phân hủy sinh học thực chất không hoàn toàn tan biến hết vào môi trường và vẫn để lại tồn dư độc hại.

“Chẳng có viên đạn bạc nào cho vấn đề này đâu” - Heidi Savelli, trưởng chương trình xả rác ra biển (marine litter) thuộc UNEP nhận xét, ngụ ý không có một giải pháp thay thế nhựa nào là hoàn hảo. Savelli không phủ nhận tầm quan trọng của các phát kiến trong nhựa sinh học, song cho rằng “thử thách lớn nhất vẫn là cải thiện cách chúng ta quản lý việc sử dụng sản phẩm từ nhựa”.

Cơ quan của LHQ hoài nghi là thế, song thị trường lại có vẻ lạc quan. Một báo cáo công bố cuối tháng 4-2017 của hãng nghiên cứu Smithers Pira (Anh) nhận định dù nhựa sinh học dùng trong bao bì hiện chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong thị phần toàn cầu, chúng sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2017-2022. Cụ thể, đến năm 2020, thị trường bao bì nhựa sinh học sẽ đạt 7,2 tỉ USD, với mức tăng trưởng trung bình 17% mỗi năm trong năm năm tới.

Những người trong cuộc như Kumala cũng không đồng tình với quan điểm của UNEP. Cha đẻ “túi nilon sắn” cho rằng cần thiết phải tìm kiếm vật liệu mới để ngăn tình trạng ô nhiễm vốn đang ngày càng mất kiểm soát. “Chúng ta đã nói rất nhiều về nguyên tắc 3R “giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế”,
nhưng điều quan trọng là phải bổ sung nó với một chữ R khác - replace (thay thế)" - Kumala nói.

Patrick Krieger, trợ lý giám đốc của Hiệp hội Công nghiệp Nhựa (Mỹ), sáng chế của Kumala là minh chứng cho sự năng động của ngành công nghiệp nhựa sinh học. “Một trong những điều tuyệt vời nhất của ngành nhựa sinh học là luôn luôn có những nguồn nguyên liệu mới để khai thác và những gì Kumala đang làm là một phát minh tuyệt vời” - Krieger dành lời tốt đẹp cho sản phẩm “nilon sắn”.

BOX

Có đến 12,7 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương mỗi năm, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science năm 2015. Nghiên cứu này cũng chỉ ra Trung Quốc là nguồn xả rác nhựa lớn nhất, khoảng 1,32-3,52 tấn/năm, sau đó là Indonesia, Philippine, Việt Nam và Sri Lanka.

Hiện tại các đại dương đang phải “gánh” khoảng 165 triệu tấn rác thải nhựa, tức khoảng 5.000 tỉ mẩu rác.

Theo một báo cáo công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017, đến năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa trên biển sẽ lớn hơn cả tổng khối lượng cá trong các đại dương đó.

Comments

Popular posts from this blog