Tắm lạ, khỏe thật - Phần 2: Tắm cát

“Tắm cát”, tưởng là người anh em của tắm bùn, nhưng không phải thế. Người tắm cát sẽ tự vùi mình vào lòng đất - có thể là sa mạc hay bờ biển - để giải độc cơ thể.



Trang web chuyên đề du lịch, giải trí và lối sống “sang chảnh” Pursuitist.com gọi “tắm cát” là “liệu pháp giải độc cơ thể mới” và khẳng định “vùi mình trong cát sa mạc có tác dụng giống như một buổi tắm hơi, giúp thanh tẩy các độc tố trong cơ thể”.

Pursuitist mô tả trải nghiệm “tắm cát” ở Merzouga, một thị trấn sa mạc phía đông nam Morocco, nổi tiếng với những đụn cát khổng lồ. Dịch vụ do những người Morocco có tổ tiên là các bộ tộc sống trên sa mạc cung cấp như một loại hình du lịch lý thú.



Người tham gia sẽ được “chôn sống”, chỉ chừa phần cổ trở lên trong cát nóng của sa mạc và “tắm” trong vòng 10 phút. Pursuitist dẫn lời Abdessalam Sadoq - chuyên gia ngành du lịch sức khỏe, cho biết “tắm cát” cũng có tác dụng tương tự xông hơi, giúp loại bỏ độc tố và tốt cho bệnh nhân thấp khớp, đau thắt ngực, viêm đa khớp và một số loại rối loạn da.

Tạp chí Medical Tourism Magazine đăng bài viết của bác sĩ Abdeltif Hanaoui, giải thích khá chi tiết tác dụng trị liệu của “tắm cát” hồi đầu năm nay.

Theo vị bác sĩ người Morocco, ban đầu người tắm sẽ cảm giác rất nóng, nhưng sau vài phút cơ thể sẽ thích ứng với nhiệt độ của cát và bắt đầu đổ mồ hôi toàn thân, tạo cảm giác nhẹ nhõm.

Trong khi “tắm”, họ được cho uống một ít nước khoáng để làm mát và tái tạo lượng nước đã mất. Sau khi “tắm” xong, du khách sẽ phải quấn người ngay bằng khăn nóng để tránh cơ thể bị sốc do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Cuối cùng, họ sẽ vào lều nghỉ ngơi và uống trà thảo mộc. Lúc này cơ thể sẽ tiếp tục đổ mồ hôi, phần mồ hôi này quyện với cát vẫn còn bám trên người sẽ tạo thành một lớp như bùn, mang đến kết quả như trong phương pháp biển trị liệu (thalassotherapy).

Bác sĩ Hanaoui cho biết các bệnh nhân viêm khớp hông, viêm khớp dạng thấp hoặc đau thần kinh tọa hay đau lưng thấp có thể chuyển sang “tắm cát” nếu cảm thấy phương pháp điều trị bằng dược phẩm không mang lại kết quả mong muốn.



Ngoài sa mạc, các bãi biển cũng là nơi thích hợp để “tắm cát”. Và sẽ hiệu quả hơn cả nếu cát ở bãi biển đó là cát núi lửa như ở thành phố Ibusuki, thủ phủ tỉnh Kagoshima, thuộc đảo Kyushu (Nhật Bản), vốn vẫn còn ngọn núi lửa đang hoạt động Sakurajima.

Hai nhà báo Anh Kathryn Wortley và Bee Rowlatt đã “tắm cát” núi lửa ở Ibusuki và lần lượt kể lại trải nghiệm của họ trên tờ The Japan Times và Telegraph. Tương tự như “tắm cát” sa mạc, người “tắm cát” núi lửa cũng được chôn dưới cát nóng trong 10 phút để cơ thể thải độc và xả stress, sau đó sẽ tắm suối nước nóng onsen.

Theo Rowlatt, cảm giác thấy cơ thể “sục sôi như mắc ma” và các chất lỏng cơ thể cứ tuôn trào ra từ đầu và tóc rồi bốc hơi nhanh chóng.

“Tim tôi phải cố lắm mới có thể tiếp tục đập (...), tôi khó nhọc lắm mới thở được (...) nhưng chỉ với một hơi thở sâu - dài và chậm - mọi thứ có vẻ không tệ lắm” - Rowlatt viết.

Sau cùng, khi hoàn tất buổi “tắm cát”, Rowlatt cảm thấy “như được “sạc pin” lại” dù không thoải mái lắm, song điều đáng mừng là “kết quả của trị liệu kéo dài vài giờ sau đó mà không gây buồn ngủ như khi đi spa”.



Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh