Tắm lạ, khỏe thật - Phần 3: Tắm âm thanh, tắm muối

Các phương pháp cổ điển như dùng muối chữa đàm hay ra mồ hôi giải bệnh đã phát triển thành những xu hướng “tắm lạ” nào?

Tắm âm thanh

Tắm âm thanh (sound bathing) dễ khiến ta hình dung đến việc ngồi thư giãn trên sôpha hay ngâm mình trong bồn tắm trong tiếng nhạc dịu êm nào đó. Nhưng để có thể xả stress, thiền định và đạt các hiệu quả sức khỏe tích cực khác, âm thanh mà ta cần tắm mình vào phải là tiếng ngân của chuông bát (singing bowl) hay cồng, chiêng. Ngoài tác dụng xoa dịu tâm hồn như một liệu pháp thiền, giúp đạt chánh niệm (mindfulness), sound bathing còn được cho là có thể giúp bệnh nhân bị đau mãn tính, đang gặp vấn đề về tiêu hoá, căng thẳng hoặc trầm cảm.


Một buổi “tắm âm thanh” tiêu biểu, như trải nghiệm của tác giả Jody Scott đăng trên tạp chí Vogue, kéo dài một giờ, với những người tham gia nằm trên sàn, nhắm mắt và “ngâm mình” vào tiếng ngân vang khi trầm khi bổng của 15 chiếc chuông bát làm bằng thạch anh. “Chỉ sau 25 phút, tôi đạt được trạng thái như tư thế thư giãn savasana trong yoga” - tác giả viết. Savasana, hay còn gọi là tư thế xác chết, là một trong các tư thế yoga, giúp tâm trí và cơ thể thư giãn sâu, giảm căng thẳng, giải tỏa lo lắng, tạo cảm giác yên bình và thanh thản.

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 16-4 giải thích người gõ chuông sẽ điều chỉnh tần số của âm thanh và tiếng ngân phát ra sao cho ứng với 7 luân xa (chakra), tức 7 trung tâm năng lượng trên cơ thể, để tạo cảm giác thư giãn cho từng nhóm (như tim, não).

Tác giả Scott của tạp chí Vogue lại lý giảm “tắm âm thanh” theo góc độ khoa học, khẳng định “có bằng chứng khoa học rõ ràng rằng âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ thể chất và tâm thần của con người”.

Scott dẫn lời giáo sư Daniel Levitin, đến từ khoa tâm lý học Đại học McGill (Canada), cho biết: "Âm nhạc đã được chứng minh có thể làm thay đổi nhịp tim, tốc độ hô hấp, mồ hôi, củng cố các nhận định rằng người ta có thể dùng âm nhạc để đạt được sự cân bằng thể chất và tinh thần”.

GS Levitin và nhóm nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan trên 400 bài báo nghiên cứu về tác dụng hóa thần kinh (neurochemistry) của âm nhạc và kết luận âm nhạc là một trong những lựa chọn lối sống có thể làm giảm căng thẳng, chống lại bệnh tật và giảm đau. Báo cáo của ông cho thấy các đặc tính âm nhạc như nhịp độ có thể ảnh hưởng đến phần não bộ có chức năng điều chỉnh nhịp tim, hô hấp, chức năng vận động và các chức năng khác do hệ thần kinh trung ương điều khiển.


Một nghiên cứu khác cũng cho thấy trực tiếp tham dự một sự kiện âm nhạc có thể có ảnh hưởng đến hoạt động của nội tiết, làm giảm mức độ hoócmôn căng thẳng cortisol. GS Levitin cho rằng tác dụng hóa thần kinh của âm nhạc có thể là lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng cho ngành nghiên cứu não bởi liệu pháp này có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng như đau đớn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Lợi thế của các phương pháp điều trị dựa trên nền nhạc là chúng không can thiệp vào cơ thể người bệnh, không có phản ứng phụ, không tốn kém, thuận tiện và hoàn toàn tự nhiên” – GS Levitin kết luận.

Thực tế, theo Hindustan Times, nhà trị liệu Evelet Sequeira từng giới thiệu cách chữa bệnh bằng âm thanh cho các bệnh nhân hóa trị tại bệnh viện Holy Spirit ở Mumbai (Ấn Độ) hồi năm 2015. Các bệnh nhân có khối u được cho là giảm sợ hãi, oán giận và phiền muộn nhờ “tắm âm thanh”, theo lời chuyên gia Sequeira.

Tắm muối
“Tắm muối” (halotherapy) cũng là một xu hướng trị liệu mới được ưa thích, dù nó có lịch sử đến hàng trăm năm. Vào những năm 1840, bác sĩ người Ba Lan Feliks Boczkowski bắt đầu tìm hiểu tác dụng của muối sau khi nhận thấy các phu than thường mắc nhiều bệnh về hô hấp, còn những công nhân làm muối có phổi “sạch boong” và không kêu ca gì về sức khỏe.

Ngoài việc tìm đến các hang muối tự nhiên, ngày nay nhiều khách sạn và spa có hẳn “phòng muối” để phục vụ người muốn trải nghiệm phương pháp trị liệu này. Muối được dùng để trị liệu là muối Himalaya khai thác ở Pakistan hoặc từ Biển Chết, vì chứa nhiều khoáng chất và có nồng độ cao hơn từ 10 đến 15 lần so với muối biển thông thường. 


Đa số “phòng muối” được thiết kế ấm cúng với ghế bành để khách có thể đọc sách hoặc chợp mắt trong liệu trình 45 phút, vốn có tác dụng tương đương ba ngày phơi mình ngoài biển và “tắm muối” tự nhiên, theo Valencia Voice, tạp chí của trường Valencia College (Mỹ) ngày 27-4.

Việc hít thở tinh thể muối sẽ giúp làm sạch và “khai phóng” đường hô hấp, đồng thời giảm viêm và kích ứng da, rất thích hợp với những người bị ho, dị ứng hay hen suyễn. “Các tinh thể muối giống như một đội lao công nhiệt tình làm sạch đường hô hấp của bạn” - Ulle Pukk, nhà sáng lập công ty chuyên về thiết kế “phòng muối” Salt Chamber Inc, giải thích.

Những người bị ho có đàm vẫn thường được khuyên súc miệng bằng nước muối pha loãng để thông cổ, dễ tống đàm ra. Hiệu quả của việc tắm muối cũng tương tự thế. “Các tinh thể muối sẽ đi sâu vào khe phổi, hấp thu tạp chất từ cơ thể và làm phân hủy chất nhầy, giúp bạn ho độc chất ra khỏi người” - Ellen Patrick, chuyên gia trị liều từ spa Breathe Easy (New York) giải thích.


Comments

Popular posts from this blog