Escape Penang: Giải thoát công nghệ, tìm về tuổi thơ


Dù được dặn phải mang giày thể thao để trải nghiệm các trò mạo hiểm, chúng tôi rốt cuộc lại rời Escape (đảo Penang, Malaysia) với hồi ức tuổi thơ sống lại cùng nhiều câu chuyện tâm đắc về ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ hành tinh xanh.

Escape không có những cấu trúc tàu lượn siêu tốc hoành tráng hay những trò vốn dĩ quen thuộc, tưởng không thể thiếu ở một công viên giải trí. Thay vào đó là những trò được thiết kế đặc biệt để giúp trẻ em thời công nghệ biết thế nào là tuổi thơ đích thực.

Công viên mạo hiểm rộng 18 hectare này chào mừng du khách bằng panô giới thiệu “Thuốc chữa cho kẻ nghiện máy tính”, tiếp sau là tấm bảng đỏ sặc mùi cảnh báo: “Chúng tôi mong tất cả quý khách sẽ hành xử như TRẺ EM. Những người lớn phiền muộn hay khó chịu sẽ bị tống lại về với thực tại”.

Nếu muốn chộp ngay những biển báo đó và khoe lên mạng xã hội, thì xin chia buồn: trên bức tường cạnh tủ gửi đồ là một biển cấm khác với biểu tượng Wi-Fi bị gạch chéo, kèm thông điệp khá thống thiết: “Dẫu chỉ giây phút này thôi, xin hãy kết nối với thiên nhiên thay vì với Wi-Fi”.



Một vé đi tuổi thơ

Những thông báo lạ lùng đó làm hết thảy chúng tôi, vốn được dặn dò phải chuẩn bị quần áo gọn nhẹ và giày thể thao để chuẩn bị cho những trò mạo hiểu, cảm thấy vừa khó hiểu vừa tò mò, thích thú. Bước thêm chút nữa thì câu trả lời đã hiện ra trước mắt: một khoảnh sân gọn gàng vuông vức, với tấm lưới giăng ngang cùng quả cầu mây nằm giữa, xung quanh là hàng dừa có võng mắc đu đưa. Ở một góc sân lại thấy bày biện nào các trò cà kheo, bắn bi, đi cầu khỉ và ngạc nhiên thay, cả một con quay (bông vụ) bằng gỗ kèm sợi dây dù, thứ tưởng chỉ còn trong kỷ niệm của bọn du khách 7x-8x chúng tôi.

Một chàng nhân viên da đen đặc trưng của người Nam Á tươi cười khoe hàm răng trắng, vui vẻ rủ đoàn khách Việt thử các trò chơi dân gian mà đến lúc ấy chúng tôi mới biết là điểm chung của trẻ em Malaysia và Việt Nam.



Có dịp trò chuyện với Sim Choo Kheng, giám đốc điều hành Sim Leisure, chủ sở hữu Escape và nhiều công viên giải trí đa dạng khắp thế giới, mới biết thêm nhiều điều thú vị.

“Ở nước tôi cũng có những trò này, thật ngạc nhiên khi biết thời thơ ấu của Việt Nam và Malaysia lại tương đồng đến thế”. Đáp lại lời chúng tôi, Sim tỏ vẻ ngạc nhiên rồi vui vẻ nói “tuổi thơ của ai, ở bất kì đâu, cũng thế thôi”.

Escape là mô hình công viên giải trí đặc biệt mà Sim muốn theo đuổi trong thời buổi trẻ em Malaysia ngày càng gắn chặt với công nghệ, thiết bị điện tử (smartphone, iPad) ngay từ khi còn bé tí. Chúng sẽ chẳng biết gì về những trò ấu thơ này cả, ông nói, và như thế thì thật tiếc khi chúng trưởng thành.

“Trẻ em ngày nay ít bị trầy xước hơn nhưng chúng lại dễ mắc các vấn đề sức khỏe hơn chúng ta ngày xưa, vì thế chúng cần phải được vận động” - ông nói.

Vì lẽ đó, ngoài khoảng sân dành cho trò chơi dân gian, Escape còn có nhiều khu khác được thiết kế phỏng theo các trò vui của trẻ nhỏ nhiều thập niên trước.

Đó là hàng cây dừa cho du khách thoải mái leo trèo và lập kỷ lục vì có sẵn đồng hồ đo thời gian leo; là những ngôi nhà gỗ nhiều cửa sổ, với hệ thống khung sắt để khách thi trèo tường, tìm lại cái thú leo trèo khi xưa mà không sợ bị đòn. Thật thú vị khi thấy trẻ em và cả các cô gái trẻ hào hứng chơi các trò leo trèo vận động như thế, dù đầu phải trùm khăn theo phong tục đạo Hồi.

Sau khi xây nhiều công viên giải trí với điểm nhấn không gì khác ngoài trò tàu lượn siêu tốc tại nhiều nước từ Âu sang Á, Sim nhận ra những trò cảm giác mạnh đó chỉ khiến người ta sợ chứ không mang lại cảm giác thích thú thoải mái.

Thay vào đó, với Escape, ông cho dựng Monkey Business (hiểu nôm na là “trò khỉ”), một phức hợp nhiều trò mạo hiểu như đu dây, bước trên dây hay những tấm ván treo lủng lẳng trên không. Những trò này rèn luyện tính cân bằng và thử thách lòng can đảm của du khách.

Bạn có thể thử trò nhảy tự do từ độ cao 12m hay 20m xuống đất. Đừng tưởng dễ ăn vì có hệ thống dây bảo hiểm và ròng rọc an toàn. Khi đứng chênh vênh ở mép ván nhìn xuống mặt đất, không phải ai đủ can đảm bước tiếp và buông mình xuống đất. Các trò đi thăng bằng, đu mình trên ròng rọc (zip lining) cũng mạo hiểm và hấp dẫn không kém.



Gắn kết với môi trường

Ngoài hai biển báo thú vị kể đầu bài, tại Escape, du khách còn có thể thấy nhiều tấm bảng rải rác khắp nơi với các thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường nhưng không giáo điều, khô cứng.

“Cha ông chúng ta ai cũng là nhà môi trường học, nhưng họ không đòi hỏi điều gì”, một tấm bảng viết, để dành vế sau “vậy cớ sao chúng ta lại không bảo vệ mà lại tàn phá thiên nhiên” cho người đọc tự cảm nhận. Bước vào nhà vệ sinh, lại thấy tấm biển nhỏ cho biết nước xả là nước mưa được xử lý lại, và lời lý giải “đây không phải vấn đề tiền bạc mà là nguyên tắc”.

Quyết liệt bảo vệ môi trường, trước mắt là cho mảnh đất Penang nơi ông sinh ra, hẳn cũng là một nỗi niềm khác của Sim.

Vị giám đốc hào hứng chia sẻ với chúng tôi hệ thống kênh nước tự nhiên chạy dọc theo các con đường trong khu vui chơi, vốn đa phần cũng là cây cỏ tự nhiên (càng ít bêtông càng tốt - Sim nhấn mạnh). Các tòa nhà tiện ích và văn phòng của Escape đều là nhà cũ được tái sử dụng và trên mái nhà phủ đầy cỏ xanh, nối với một đường ống xuống các lu nước kim loại lớn đặt dưới đất. Hệ thống cỏ trên mái nhà sẽ giúp không gian trong nhà mát hơn, hạn chế việc dùng máy lạnh, đồng thời góp phần lọc qua nước mưa, tạo nguồn nước để tưới hoa hay cho du khách rửa chân, tay.



Sim nói ông muốn kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của trẻ em trước khi quá muộn. Với Escape, ông muốn trẻ em và cả người lớn thoái khỏi cuộc sống nặng nề công nghệ để đến với tuổi thơ và thiên nhiên xanh tươi.

Ít nhất là với nhóm du khách Việt chúng tôi, cái mà ông gọi là “sứ mệnh cuộc đời” đã thực sự để lại nhiều ấn tượng và ý nghĩa. Rời Escape, chúng tôi những mong sớm có ngày mô hình công viên như vậh sẽ có ở Việt Nam, nơi trẻ em đang được làm quen với iPad từ khi chưa biết nói về nhiều trò chơi thơ ấu đang dần thành dĩ vãng.
TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog