[Xu đọc] Tháng 3.2016

Tiếp tục series sách đọc trong tháng. Tháng 3 bận rộn quá nên đọc ít.

Số thứ tự là tiếp nối từ [Xu đọc] Tháng 2. 2016.

9. Kép tư bền (Mar 16)



Hôm nọ thấy xích lô chở khách du lịch ngang chợ gần nhà, chứ ko phải ở trung tâm thành phố nữa. Không rõ dịch vụ mới hay sao, nhưng thấy vậy làm nhớ "Ngựa người và người ngựa", bèn lôi tập này ra đọc lại, kèm thêm vài truyện khác cũng thảm không kém. Hôm kia lại thấy ông bán chè bị lật xe, đứng thất thần, bà con xúm vào phụ giúp.

Nói tóm lại,dù là cách đây 80 năm như thời của trào lưu hiện thực phê phán hay là thời hiện tại, thì vẫn có những người cùng khổ, nhìn thấy hay đọc vào thấy xót xa, nhưng rồi lại thôi, như Huy Cận từng nói, 'đau đời có cứu được đời đâu'.

10. Nghiệt duyên (Mar 11)


Quyển này có review dài ở đây. Còn đây là quick review có tóm tắt:

Nghiệt duyên như tên gọi của nó là mối tình rất nghiệt giữa 2 người ở 2 bờ chiến tuyến của đệ nhị thế chiến. Mở đầu hơi dài dòng, đến khúc giữa bắt đầu hay và phần cuối thì chỉ muốn đọc nhanh để biết kết cục, dù cuối cùng chẳng có happy ending.

Thật ra, motif của những mối tình oan trái như vậy không mới, và các cách cố chấp của nữ chính thật khiến người ta bực mình, như phim hàn quốc. còn nam chính thì gọi theo ngôn ngữ bây giờ chắc là soái ca chánh hiệu nai vàng.

Kết thúc buồn và nuối tiếc, đọc xong có thể buồn thê thảm. Truyện ngồn ngộn tư liệu lịch sử, lần đầu tiên mình biết Thái lan đã trải qua những gì trong WWII. Dịch giả có tâm, có tóm tắt bối cảnh lịch sử ở cuối sách cho người đọc dễ hình dung.

Ngọc trong đá & Đường còn dài còn dài


Cái này mình đọc lâu rồi nhưng tháng này có thời sự nên mang ra review nhanh một chút. Do đó không đánh số mục này. Review dài của Đường còn dài còn dài đọc ở đây.

Được tin 2 quyển này sắp được tái bản, bèn lục sách cũ ra chộp lại, viết tí review. Hai quyển này đều viết về tuổi trẻ-tuổi 20, nhưng viết bởi 2 người ở 2 thế hệ khác nhau, nên những người trẻ trong truyện có những trăn trở khác nhau.

Mình đã đọc Đường còn dài.. khi vừa chớm qua 20 tuổi, và đã có những nỗi buồn tuổi trẻ đó, những muốn nhảy lên một chuyến xe để bắt đầu 1 hành trình như thế. Và mình đã đọc Ngọc trong đá khi cũng chỉ vừa đôi mươi, để rồi tự hỏi mình có thể vượt qua những khó khăn thiếu thốn, được trui rèn giữa tập thể để trở thành 1 con người tốt hơn không.

Sau tất cả, mình chẳng làm gì cả, vẫn tiếp tục vượt qua những năm đầu 20 tuổi theo cách mà đến bây giờ vẫn không rõ là đúng hay sai.

Dù sao đi nữa, đây là những quyển sách cần đọc nếu ta đang loay hoay với lứa tuổi "chưa làm được gì trong đời, mà nỗi hụt hẫng, thất vọng thì đầy trong lòng”

11. Không ai qua sông (Mar 23)



Tuyển tập truyện của chị Tư lần nào cũng thế, đó là những phận người được kể với giọng nhẹ tưng, vào đề cái rụp, không rào trước đón sau, như kiểu ai đó ngồi cạnh ta trên xe buýt hay khi chờ máy bay, rồi cứ thế mà kể ta nghe chuyện đời éo le của ai đó một cách trơn tru, rành mạch.

Không ai qua sông, vì thế cũng như những tập truyện trước đó. Ta gặp hết người này đến người khác, nghe đời của họ được kể lại (bởi chị sầu riêng) rồi ta có thể bần thần, xót xa vì câu chuyện đó. Nhưng hình như không thấy ám ảnh trong tập sách này. Chỉ có truyện cuối cùng, về đất, là nặng ký. Mình dành lại khi nào hết bận trí thì đọc tiếp.

12. Gã chăn dê ở cù lao giá (Mar 28)



Nguyễn Minh Nhựt cũng người Cà Mau, nhưng cách viết khác chị Tư, không quá nặng nề, dù cũng bằng ngồn ngữ miền Tây một mạc.

Truyện ngắn của anh có cái gì đó giống những truyện Mỹ mình học ở đại học. Mỗi truyện trong tập này không đi vào thân phận con người, mà cho ta biết lòng dạ và bản chất họ thông qua cách họ giải quyết tình huống mà tác giả đặt ra.

Đó có thể là tay thanh niên mắc “thuyết âm mưu”, tình cờ đi xe giường nằm cạnh ông già cứ ôm khư khư cái bọc mà tưởng tượng ra đủ trò khủng bố, đánh bom liều chết. Anh thanh niên cuối cùng bẽ bàng vì đã chơi ông già một vố, nhưng cái sự nghi ngại lo lắng đó có thể hiểu được, nhất là trong thời buổi này.
Hay đó là chuyện lòng người thay đổi ra sau vì con tôm, vì phong trào nuôi tôm ở miền Tây, và rất nhiều nhiều truyện ngắn khác với dung lượng vừa phải nhưng xoáy sâu vào bản chất bên trong con người bằng việc miêu tả hành động của họ.

Comments

Popular posts from this blog