Review: Đường còn dài, còn dài [2010]


Được tin "Đường còn dài, còn dài" sắp tái bản sau 5 năm với bìa mới, tìm post lại bài review của mình khi đọc quyển này lần đầu năm 21 tuổi.

Đây vẫn là một trong những quyển mình thích nhất thời đó, dù không nhớ chi tiết nội dung, nhưng có một thời mình vẫn thường trích câu trong sách: “những người đã 20 tuổi, sao chưa làm được gì trong đời, mà nỗi hụt hẫng, thất vọng thì đầy trong lòng”

---

Nguyễn Thiên Ngân hơn tôi 1 tuổi, học cùng trường đại học. Tôi biết chị từ thời chị đoạt giải Nhất cuộc thi Chân dung tuổi mới lớn ở báo Mực Tím. Tôi rất thích các truyện ngắn thời đó của chị trên Mực Tím, cũng như những truyện sau này trên các báo khác. Truyện dài đầu tay của chị, Đường còn dài, còn dài, được viết chỉ trong vòng 2 tuần, nhưng tôi phải mất cả tuần mới đọc xong. Phần vì, như đã nói, không có thời gian để đọc một mạch quyển sách, dù rất mỏng, phần lại vì cứ sau mỗi trang sách tôi lại dừng lại suy tư và nghĩ ngợi, bởi thấy được đâu đó có hình ảnh mình phản phất trong câu chuyện của chị.

Đường còn dài, còn dài là câu chuyện về N., một chàng sinh viên khoa văn, bỗng cảm thấy không thích cuộc sống hiện tại mà bỏ học, rồi thực hiện cuộc hành trình từ Sài Gòn, qua khắp các nẻo đường đất nước đến tận miền Bắc xa xôi.

Chỉ vọn vẹn 160 trang sách những nhân vật trong truyện, từ N. và 2 người bạn đồng hành – lão Sói và Damien, đến những người mà N. gặp trong chuyến đi – Chiêu Anh, người yêu cũ, Trân bạn thân, Léa cô bé Việt kiều Pháp đi du lịch Hội An, Ni chủ quán Dream a little dream, ông họa sĩ già M si mê Ni, đã được Nguyễn Thiên Ngân đã khắc họa đủ rõ nét để người đọc tìm thấy ở mỗi người một nỗi niềm riêng, khiến họ tự chọn lấy bước ngoặc cho mình trong cuộc sống.

Tôi đã từng ao ước một cuộc hành trình như của N – được một mình rong ruổi khắp các nẻo đường Nam chí Bắc, đi ngang qua mọi ngóc ngách, từ những làng quê nghèo buồn tênh đến những thành phố ồn ào tấp nập. Đi để thấy, để biết và để nghĩ. Chuyến đi của N. chứa đựng những suy nghĩ, nỗi niềm về tình yêu và cuộc sống của “những người đã 20 tuổi, sao chưa làm được gì trong đời, mà nỗi hụt hẫng, thất vọng thì đầy trong lòng” (p101).

Tuy chưa đến mức chất chứa những nỗi thất vọng và hụt hẫng trong lòng, tôi vẫn tìm thấy rất nhiều thứ thật gần gũi với mình từ những câu chuyện trong Đường còn dài, còn dài. Tác giả, nhân vật tôi trong truyện, và cả tôi, đều là sinh viên Văn khoa, do đó không khó để hiểu tại sao tôi lại có cảm giác gần gũi với họ. Những chi tiết về trường lớp, về xe bus S09 từ Hồ con rùa đến trường đều quá đỗi thân quen. Nhưng trên hết, khi đọc một tác phẩm viết bởi một người cùng lứa tuổi với mình, sẽ rất dễ đồng cảm, vì tác giả và mình đều cùng chia sẻ một số quan điểm về tình yêu và cuộc sống.

“Những chiếc xe bus nối đuôi nhau chạy hết một vòng”, chuyến hành trình rồi cũng kết thúc sau 9 tháng, nhân vật N. lại trở về Sài Gòn, lại đón xe bus S09 từ Hồ Con rùa. Từ khi chọn bước ngoặc của đời mình là một chuyến đi, giờ đây N. lại trở về vị trí xuất phát và phân vân không biết đó có phải là một giấc mơ.

Còn tôi, 21 tuổi, sinh viên Văn khoa, đang chờ đợi chuyến đi đầu tiên trong đời mình, để biết được, đường còn dài, còn dài.

Comments

Popular posts from this blog