[Xu đọc] Tháng 2.2016

Sách đọc trong tháng 2-2016, dù là tết nhưng đọc được cũng khá.

Số thứ tự là tiếp nối từ [Xu đọc] Tháng 1. 2016.

5. Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội (Feb 6)



Hai gã thi sĩ kiêm văn sĩ dù căm hận đàn bà sau cuộc tình đổ vỡ nhưng vẫn thèm muốn ái tình, bèn cùng đem lòng yêu một cô gái chết trẻ mà họ không biết gì khác ngoài cái tên khắc trên bia mộ.

Mình đọc quyển này khi ngồi chờ máy bay về Đà Nẵng ăn tết. Ba tiếng ngồi chờ máy bay trễ chuyến đủ để theo chân "hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" đi hết cuộc tình kì quái. Cái kết hơi vội và dễ đoán nhưng quyển sách nhỏ thú vị này rất đáng đọc.

6. Sài Gòn - thị thành hoang dại (Feb 14)



Đọc về Saigon khi phải tạm xa thành phố một tuần. Quyển thứ 2 của Khải Đơn, dễ đọc hơn quyển đầu vì gần gũi, vì những điều rất Saigon mà ai rời quê lên phố cũng trải qua và cảm nhận.

Trích 1 câu nói hộ lòng mình: "Khi phải xa Saigon, không nỗi nhớ nào tồn tại, (nhưng khi trở lại và gặp những điều thân quen) mới thấy nhớ Saigon như một vùng ký ức quá nhiều những niềm vui vô điều kiện."

7. Ngoại tình (Feb 20)



Giữa lúc 'cư dân mạng' sục sôi vì chuyện 'cướp chồng', 'ngoại tình' của ai đó, đọc quyển này quả là phù hợp. Dù vậy, nhân vật nữ trong "Ngoại tình" này và cô ca sĩ kia có hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Quyển này chứng minh câu 'đằng sau người đàn ông hiền hiền là người đàn bà bị điên', rảnh rỗi sinh nông nỗi. Dù có thể lấy cuộc đời nhàm chán để biện minh cho việc tìm của lạ, làm một chuyến phiêu lưu, nhưng thật khó để đồng cảm với nữ nhân vật chính.

Tình cờ thấy câu slogan này hợp với câu chuyện. Người phụ nữ này đã không thắng trong chuyến phiêu lưu của mình, mà thay vào đó, rút ra bài học nhớ đời.

Sách xen nhiều triết lý đúng kiểu Paulo Coelho (như đã làm với Nhà giả kim), nhưng cũng không thiếu cảnh nóng bạo liệt. Có điều chắc chắn, cuốn này chỉ nên đọc khi đã có gia đình :)

8. Mình và họ (Feb 28)



Chúng ta đã đọc/học/nghe rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc về "giặc Pháp sài lang" và "giặc Mỹ cọp beo". Nhưng có bao nhiêu tác phẩm về giặc tàu? 

Đây là quyển sách được nhắc đến nhiều nhất vào ngày 17.2.2016 vừa qua, kỷ niệm 37 năm sau chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược (1979), cuộc chiến mà thú thật mãi 2-3 năm trở lại đây mình mới biết, vì gần như trước đó nó (không được phép) nhắc đến.

Mình và họ là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi về cuộc chiến này. Dù không dễ đọc với lối kể đan xen, hiện tại quá khứ, thực và hư, chuyến đi này lồng ghép chuyến đi kia, nhưng nó cũng đầy sức nặng và ám ảnh, bởi đề tài chiến tranh, và bởi kẻ thù chính là bọn Tàu thâm và gian ác.

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh