Malaysia muốn mời khách Việt ra đảo “vừa du lịch vừa chữa bệnh”


Singapore vốn là địa chỉ khám bệnh nước ngoài quen thuộc của người Việt và một số quốc gia ĐNÁ khác, nhưng Malaysia cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

Hòn đảo nhỏ Penang (bang Penang, tây bắc Malaysia) có thể được xem là “đầu tàu” cho chiến lược phát triển du lịch sức khỏe của Malaysia. Năm 2014, Penang đóng góp khoảng 45-50% trong tổng doanh thu 730 triệu ringgit Malaysia thu được từ du lịch chữa bệnh, theo Cục xúc tiến du lịch Penang (Penang Global Tourism).

Chính quyền đảo Penang đang quảng bá mạnh mẽ ngành du lịch sức khỏe của mình với phương châm ‘vừa du lịch vừa chữa bệnh’, hướng đến các thị trường mới như Việt Nam…

Cạnh tranh với Singapore

Với ngành du lịch sức khỏe Penang, cơ hội để hút khách Việt càng trở nên rõ rệt hơn khi AirAsia vừa khai trương đường bay thẳng Penang - TP.HCM đầu tiên hôm 25-1.

“Penang không chỉ là điểm đến để ăn uống, vui chơi, mà còn để sống khỏe mạnh” - ông Lim Guan Eng, Thủ hiến bang Penang, nói tại buổi họp báo diễn ra sau khi chuyến bay khai trương từ TP.HCM vừa đáp xuống Sân bay Quốc tế Penang.

Ông Lim tếu táo đùa rằng du khách nếu lỡ ăn uống quá nhiều cũng đừng lo, vì tại Penang đã có các dịch vụ y tế chất lượng sẵn sàng phục vụ.

“Chúng tôi có những bác sĩ và chuyên gia y tế giỏi nhất và dịch vụ chăm sóc hậu phẫu tốt nhất” - vị thủ hiến nhấn mạnh.

Ngoài hệ thống y tế tiêu chuẩn cao với 2 bệnh viện công và hơn chục cơ sở y tế tư nhân, ông Lim cho rằng không khí trong lành của một hòn đảo, với bãi biển và nhiều mảng xanh được giữ gìn rất tốt của Penang, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn cả hai nhu cầu khám bệnh và nghỉ dưỡng của du khách.

Theo Cục xúc tiến du lịch Penang, doanh thu từ du lịch sức khỏe của 9 bệnh viên tư lớn trên đảo này ước đạt 500 triệu ringgit năm 2015, tăng mạnh so với 370 triệu ringgit một năm trước đó. Cũng theo cơ quan này, đa phần du khách đến du lịch và khám bệnh tại Penang đến từ Indonesia, Singapore, Úc, Nhật và các nước Trung Đông.


Năm 2006, Trung tâm Du lịch Sức khỏe Penang (PMed) được thành lập, khẳng định du lịch sức khỏe chính là mũi nhọn của ngành công nghiệp không khói.

Trả lời Tuổi Trẻ, TS Mary Ann Harris, chủ tịch PMed, xác nhận Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chính là một trong các thị trường mới mà Penang muốn thu hút.

TS Harris cho rằng đường bay thẳng sẵn có, cùng với khoảng cách gần (chưa đầy 2 giờ bay) là điểm cộng để Penang thu hút khách du lịch sức khỏe từ TP.HCM. Theo bà Harris, các yếu tố khác khiến Penang tự tin có thể cạnh tranh với các địa chỉ du lịch chữa bệnh trong khu vực gồm đội ngũ bác sĩ được đào tạo tại các nước thuộc Khối thịnh vượng chung, chi phí điều trị thấp, thiết bị hiện đại.

“Hiện tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM thường chuyển bệnh nhân của họ sang Singapore, nhưng Penang, với hệ thống chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn tương đương, có thể là một lựa chọn mới đầy hấp dẫn” - bà Harris nói.

Điểm cộng “xanh”

Như thủ hiến Penang đã nói, ngoài vấn đề chuyên môn, việc giữ một không khí xanh và sạch cũng rất quan trọng để phát triển du lịch y tế.

Chính quyền Penang rất quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường và giữ mảng xanh cho hòn đảo, đặc biệt là các khu vực đồi Penang Hill và vườn thực vật Penang Botanical Gardens.

Cây cối, đặc biệt là cây cổ thụ, vẫn được bảo quản kỹ càng dọc các con phố. Đặc biệt, Penang cho trồng cây Angsana (rất phổ biến ở Singapore) dọc theo nhiều con đường vì đây là loại cây cao lớn, có bóng râm và dễ trồng.

“Các bệnh viện được đặt ở trung tâm Penang và du khách sẽ có đầy đủ các tiện ích của một thành phố, nhưng với bầu không khí trong lành như các làng quê” - giám đốc điều hành Penang Global Tourism Ooi Geok Ling chia sẻ.


TS Harris cũng cho biết thủ phủ Geogre Town, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2008, là niềm tự hào của Penang. Hệ sinh thái và môi trường của George Town, gồm nhiều đồi núi vào bãi biển do nằm trong Eo biển Malacca, vì thế được bảo vệ cực kì nghiêm ngặt.

“Chúng tôi luôn bảo vệ ‘lá phổi xanh’ và đa dạng sinh học ở Penang - bà Harris nói với Tuổi Trẻ - Các công trình vượt quá 76m từ mực nước biển phải tuân thủ các quy định xây dựng vô cùng nghiêm ngặt, và các khu đánh bắt hải sản cũng được quản lý chặt chẽ để bảo tồn nguồn tài nguyên quí giá này cho các thế hệ sau”.

Năm 2015 Malaysia đón hơn 880.000 lượt du khách đến khám chữa bệnh trên toàn quốc, đạt doanh thu 730 triệu ringgit, theo tờ The Star.

Hội đồng Du lịch sức khỏe Malaysia cho biết nước này đang là điểm đến chữa bệnh tốt thứ ba ở châu Á, sau Thái Lan và Singapore

Anh Jimmy Lai, một hướng dẫn viên du lịch tự do, kể với Tuổi Trẻ anh vẫn thường giới thiệu về ngành du lịch sức khỏe của Malaysia khi dẫn đoàn.

Một trong những ‘dẫn chứng hùng hồn’ nhất được Lai sử dụng là chuyện vị thủ tướng thứ tư của Malaysia khi lâm bệnh cũng điều trị trong nước chứ không dựa vào nền y tế của nước khác.

“Ngài Mahathir Mohamad đã phẫu thuật tim tại Kuala Lumpur. Khi một nguyên thủ đã tin tưởng giao tính mạng của mình cho nền y học nơi đây, du khách có thể yên tâm với các bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế của chúng tôi” - Lim nói.

TRƯỜNG SƠN


Bài trên là bản đầy đủ của bài đăng báo tại đây http://dulich.tuoitre.vn/tin/20160313/malaysia-tham-gia-thi-truong-vua-du-lich-vua-chua-benh/1066231.html

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh