Châu Thới Sơn Tự du ký (1)
Từ ban công ký túc xá hay các trường Bách khoa, Quốc tế, nếu nhìn về hướng Biên Hòa sẽ thấy một ngọn núi nhỏ nhô lên giữa những rừng cây khá dày đặc. Và trên đỉnh núi ấy cheo leo một ngôi chùa với tượng Quan âm lớn đến mức có thể nhìn thấy từ cách xa hàng chục cây số. Không bằng lòng với việc chỉ ngắm từ xa, hôm qua chúng tôi đã làm một chuyến hành trình khám phá ngôi chùa trên núi ấy.
Thiên nhiên tươi đẹp
Từ cầu vượt Linh Xuân, chúng tôi đón xe bus xuôi theo quốc lộ 1A hướng về Biên Hòa, xe đi được khoảng 15 phút thì đến. Ngọn núi một lần nữa hiện lên sừng sững sau những dãy nhà nhấp nhô và giữa cái khói bụi đến ghê người của những công trường khai thác đá gần đó. Chúng tôi không khỏi hồ nghi về sự hiện diện của một ngôi chùa cô tịch giữa cái không khí đặc quánh mùi ô nhiễm này. Nhưng sự nghi ngờ nhanh chóng bị xua tan khi chúng tôi bắt đầu rẽ vào con đường dẫn đến chân núi. Những người dân địa phương hồ hởi chỉ đường cho chúng tôi, không quên trấn an rằng chẳng khó gì để leo lên được hết núi ấy. Điều này làm sự hào hứng của chúng tôi vơi đi ít nhiều, bởi tất cả đều hy vọng sẽ đến được một ngọn núi hoang vu ít bóng người và một ngôi chùa chỉ có vị trụ trì già ngày ngày gõ mõ tụng kinh. Và rồi cái mong đợi ấy nhanh chóng tiêu tan hoàn toàn khi chúng tôi đi ngang qua rất nhiều bãi giữ xe và hàng quán dưới chân núi. Rõ rồi, đây chẳng phải là một ngôi chùa tách bạch với thế sự ồn ào, mà là một điểm du lịch và là khu di tích có chứng nhận hẳn hoi! Thế là những sự tưởng tượng phong phú về việc trụ trì sẽ đón chúng tôi bằng câu “Ôi, đã lâu lắm rồi mới có người lên được tận đây. Các thí chủ thật là thành tâm, xin mời vào đây dùng bữa cơm chay” hoặc “Ôi, ta đã chờ các con lâu lắm rồi!!!!!” đã chính thức tan biến như đám bụi mịt mù ngoài kia.
Tuy vậy, những thứ ấy đâu thể làm nản lòng những người tuổi trẻ say mê khám phá như chúng tôi. Bỏ mặc tất cả, chúng tôi bắt đầu những bước đầu tiên của những kẻ hành hương tìm về vùng bí ẩn. Chào đón chúng tôi ở bậc đá đầu tiên là cổng chùa với 4 chữ Châu Thới Sơn Tự, và 2 bà lão ăn xin mù bám nơi chân cổng. Đường đi đã có, chúng tôi cứ nhắm đỉnh núi mà thẳng. Trông lên có vẻ gần nhưng chỉ mới được vài chục bậc chúng tôi đã thấm mệt, vì bậc đá rất to và cao, gấp đôi bình thường nên đi cũng mất sức nhiều hơn. Ngồi nghỉ trên tảng đá bên đường dưới tàn cây thưa thớt của cây bã đậu vào mùa rụng lá, chúng tôi đưa mắt ngắm nhìn xung quanh và rồi cùng thốt lên ngạc nhiên trước quang cảnh đang bày ra trước mắt. Cứ ngỡ như chỉ sau vài bậc thang đá cũ kĩ này mà đã có thể mang chúng tôi vượt không gian đến tận Đà Lạt, khi giờ đây trước mắt chúng tôi là một thung lũng với những vách đá cao thẳng đứng và một mặt hồ tĩnh như gương màu xanh ngọc bích. Không phải cái lạnh lẽo và mặt nước trong veo như cái ao thu của của Nguyễn Khuyến, mặt hồ này tĩnh lặng và ấm áp bởi ánh nắng chiếu qua đỉnh núi và những tán cây ven hồ. Bao bọc lấy hồ theo một đường cong là con đường dẫn lên núi dành cho xe cộ, nếu đừng từ trên nhìn xuống thì sẽ như câu ca dao ‘Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ’. Đây rõ ràng là một bức tranh họa đồ với đầy đủ non xanh nước biết và cả con đường quanh quanh. Cạnh đó là một công trường khai thác đá, phần nào làm mất đi vẻ thiên nhiên hoàn hảo của cảnh vật nơi đây, nhưng những đống đá thành phẩm khai thác được nằm bên ven đường khi nhìn từ trên cao bỗng nhiên óng ánh cái sắc xanh dương của đá dưới ánh nắng, điểm xuyết thêm 1 nét rất lạ cho bức tranh mặt hồ phẳng lặng. Thật tiếc là từ đây máy ảnh của chúng tôi hết pin do không kịp sạc sau buổi đi chơi tối hôm trước. Nhưng máy ảnh sẽ không thể nào ghi lại hết vẻ đẹp của không gian xung quanh khi nhìn từ nơi đây, với những tòa nhà của các trường đại học quốc gia hiện lên xa xa, giữa những mảng xanh cùng những tòa nhà nhấp nhô khác của các khu dân cư lân cận. Vắt mình qua những nhấp nhô ấy là sông Đồng Nai óng ánh bạc và những mờ ảo của một vùng dân cư rộng lớn chìm trong nắng sớm sương mờ. Không gian lúc này trở nên yên tĩnh đến lạ, những chiếc xe benz chở đá khai thác vẫn lăn bánh, bụi vẫn tung mù mịt, nhưng tiếng ồn và những khói bụi ấy không thể đến được nơi này.
Sau hơn 220 bậc thang, chúng tôi cũng đến được cổng chính của chùa. Chùa nằm trên một đường cong và dốc, có bức tường thành cao bao bọc phía bên ngoài. Đã biết rõ đây không phải là nơi ẩn dật ít người biết đến nên chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi những người đầu tiên chào đoán đoàn lại là những cô bán nhang và…vé số. Tôi là người không có tôn giáo nên cũng không thiết tha gì lắm với cảnh chùa, cũng như gần như mù tịt với những tượng thờ, cảnh trí nơi đây. May mà cũng có đọc qua lịch sử Đức Phật cũng như có anh bạn đi cùng biết nhiều chuyện kể lại nên cũng không đến nỗi lơ ngơ khi vãn cảnh chùa.
Phần thú vị nhất của chuyến đi chính là chúng tôi đã được mục kích những cảnh thiên nhiên quá tuyệt vời xung quanh núi, cũng như đã đạt được mục tiêu đặt chân vào ngôi chùa này. Phần còn lại của chuyến đi kèm những chuyện li kì khác sẽ được trình bày vào phần sau của bài viết, mời các bạn đón theo dõi.
đi chùa thấy tịnh tâm trong lòng hơn....
ReplyDeleteNếu có dịp hãy thử ghé chùa Hương và sẽ có được nhiều trai nghiệm và cảm nhận thú vị hơn.Chúc vui hé
cám ơn bạn, chùa Hương xa quá, k bít bao giờ mới có dịp...
ReplyDeleteIt's a great idea to send it to 'Tiep thi Gia Dinh' man! new explorations about tourist sites are definitely what they, the magazine, need! Contact Ms My right now!
ReplyDeletea Long
p.s. As Ms My's request, remember to send both the article and its photos! gud luck em!
it must be revised and edited before being sent to Ms. My. anyway, i don't think this post will meet their requirements :D
ReplyDeletelet me think of it again ^^ thank you :x
hình như b xu chụp hình hơi buồn nhỉ?dung k ta?
ReplyDeleteỒhhh...Bây gio thi e đa hieu :))!..
ReplyDelete@bạn gì ơi: hình dựa vào cổng hem hiểu sao wên cười nên thấy bùn đó bạn :D
ReplyDelete@Vikki: hehe ^^ PR hay hem :D