Châu Thới Sơn Tự du ký (2)


Ở phần 1, tôi đã kể lại phần đầu của chuyến đi khám phá ngọn núi Châu Thới, ở phần này, các bạn sẽ được biết sau khi đã vượt ngàn dặm đến với Châu Thới Sơn Tự, điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở đó?

Bị từ chối

Ấn tượng đầu tiên khi đi vãn một vòng sân chùa và thắp nhang xung quanh là cách bài trí của Châu Thới Sơn Tự rất lung tung và không được quy hoạch hợp lý. Hầu hết các tượng thờ, tiểu cảnh tái hiện các tích về Đức Phật trong sân chùa đều do các phật tử giàu có dâng tặng. Trên tấm bảng đề tên của tiểu cảnh như Đức Phật đản sanh, Đức Phật xuất gia, Đức Phật giảng bài, v.v. đều có tên của các tín đồ đã có công đem đúc những tiểu cảnh này dâng cho chùa. Điều đáng nói là chúng không được sắp xếp theo một trình tự nhất định nào mà là ai tặng trước thì xây trước, người sau cứ thế đặt vào bên cạnh, khiến cho du khách lúng túng khi xem cảnh Đức Phật xuất gia trước rồi mới đến cảnh Ngài giáng sanh. Thêm nữa, do là các công trình phật tử đem tặng chứ không phải Chùa đầu tư nên cách thể hiện của những bức tượng Quan Âm, Phật, các vị La Hán đều thiếu đi cái thần thái cần có của những bức tượng loại này. Ngay cả tượng Quan Âm cao gần 15m (chưa xác minh) đứng sừng sững ở mép núi cũng không để lại ấn tượng gì mấy.

Sau khi đã dạo qua sân chùa, chúng tôi bắt đầu vào Chánh điện. Lại tiếp tục một vòng thắp nhang và vái lạy. Tuy không theo đạo Phật nhưng chúng tôi đều thực hiện các nghi lễ với tất cả sự nghiêm túc và lòng thành kính. Sau đó các bạn tôi có ý muốn xin xăm và nhờ một nhà sư trong đó giải giúp. Mọi chuyện bắt đầu từ đây, khi chúng tôi mang xăm đến, nhà sư đã phán ngay ‘Xăm xấu’. Người kế tiếp trong nhóm chúng tôi cũng nhận được lời phán tương tự. Sau đó vị sư này tiếp tục làm 1 tràng thuyết giảng lan man về việc chúng tôi đến đây chỉ để chơi, không thành tâm thì đừng xin xăm làm gì, có lỗi với Bà (tôi thật sự không biết Bà là ai?). Mặc dù như đã nói, chúng tôi không có biểu hiện gì không thành kính hay thất lễ trong suốt quá trình vãn cảnh chùa. Nhà sư này tiếp tục với giọng dè dặt và không được mạch lạc cho lắm về việc nhà nước cấm mê tín dị đoan. Những lời nói của ông cứ trùng lắp lên nhau, ý nọ xọ ý kia rồi quay về ý đầu tiên, đại để như tránh nói về việc xin xăm cũng như có ý thanh minh chùa của ông ta không có mê tín dị đoan. Máu nghề nghiệp nổi lên (trong nhóm tôi còn có 1 sinh viên báo chí), tôi định hỏi ngược lại ông vài câu để xem thế nào là thành tâm, và tại sao chúng tôi lại không được giải xăm, khi rõ ràng chúng tôi đã thể hiện rất tốt, trang phục lại là áo trắng quần tây rất đàng hoàng, trong khi những người khác cũng trẻ như chúng tôi, lại ăn mặc không đúng với không khí tôn nghiêm của chùa lại được ông giải đáp tận tình. Tuy nhiên vì không muốn dây dưa cũng như làm lớn chuyện, chúng tôi đã chọn cách âm thầm điều tra, cứ lắng nghe ông rồi gật gù ra chiều hiểu biết và đồng tình. Sau một tràn những điều khó hiểu, chúng tôi cáo lui và ra về. Kế hoạch ăn cơm chay trong chùa cũng phá sản.

Giả thuyết của chúng tôi

Hành động khó hiểu của nhà sư khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc khi xuống núi. Xuống được nửa đường, chúng tôi vào nghỉ trong căn chòi ven đường và bắt đầu tiến hành phân tích những việc đã xảy ra. Cuối cùng chúng tôi đi đến kết luận là nhà sư ấy đã sợ chúng tôi là nhân viên điều tra của nhà nước, vì trong quá trình nói chuyện, ông cứ lặp đi lặp lại rằng bạn tôi người là công an, người là bộ đội, còn tôi, ông nói là ‘lâm…’ gì đó, ngập ngừng một chút thì phá lên ‘lâm rừng’ (!). Tôi hơi khó hiểu, vì theo logic nếu các bạn tôi đã là công an, bộ đội thì đến lượt tôi phải là kiểm lâm mới đúng, đằng này lại là ‘lâm rừng’, tôi đoán ý chứng ông muốn nói tôi là…lâm tặc, còn anh bạn cuối cùng thì được phán là ‘lâm…biển’, chắc ý muốn nói là hải tặc?!? Thái độ dè chừng cùng với việc cho chúng tôi là những cán bộ nhà nước cho thấy ông ấy sợ chúng tôi đến để điều tra về tệ mê tín (nếu có) ở chùa này. Xét lại thì thấy ông ta cũng có lý khi lo sợ như vậy, vì chúng tôi hôm đó ăn mặc rất chỉnh tề và nghiêm túc, lại trạc tuổi nhau, khó có thể khiến người ta tin rằng đó là 1 nhóm bạn trẻ đi viếng chùa. Do đó, nhà sư này đã chọn cách nói vòng vo để né tránh, phòng bị cho là tuyên truyền mê tín dị đoan. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng làm như vậy là hơi thừa, vì qua quan sát cho thấy hoạt động cúng bái ở đây diễn ra rất bình thường và trật tự, ngày thứ bảy nhưng rất vắng và không có những cảnh xô bồ, buôn thần bán thánh như thường thấy ở những nơi khác.

Phải chăng đằng sau đó còn có uẩn khuất nào khác? Máu nghề nghiệp không cho phép chúng tôi bỏ qua điều này, nhất định chúng tôi sẽ còn trở lại đây một ngày không xa để làm rõ mọi chuyện. Khi đó chắc chắn sẽ có 1 entry mới để tiếp tục hầu chuyện bạn đọc, với những hình ảnh hơn về nơi tuyệt đẹp này. Hãy đón xem!

--
Tóm lại nếu đến đây ngắm cảnh và dã ngoại picnic thì rất tuyệt các bạn ạ. Rất mát mẻ và yên bình, cảnh thì đẹp như Đà Lạt, tha hồ chụp hình. Bạn nào ở thành phố thì đón xe số 5, tuyến Bến xe Chợ lớn  - Bến xe Biên hòa, xe sẽ chở thẳng đến nơi luôn. Bạn nào ở ĐHQG thì đón xe ra cầu vượt linh xuân, đi bộ qua bên quốc lộ 1A sẽ có trạm của xe số 5. Có xe máy đi là sướng nhất, không phải lội bộ nhiều.

Comments

  1. nguyen xuan trieuMay 31, 2010 at 7:14 PM

    Hay. Tui sẽ trở lại. Nhất định phải làm rõ mọi chuyện

    ReplyDelete
  2. ặc sao giống phóng viên thật rồi @@ giọng điệu nghe ghê wa @@

    ReplyDelete
  3. hehe giống phóng viên báo công an hem :P

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog